Theo Heidi Ledford (2021). Should children get COVID vaccines? What the science says. doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-01898-9

Ngày đăng: 20/07/2021

Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này

Vào thời điểm mà phần lớn thế giới vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine COVID-19, câu hỏi liệu có nên ưu tiên tiêm vaccine COVID 19 cho trẻ em hay không đang là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Một học sinh ở Bogor, Indonesia, nhận được mũi tiêm Sinovac trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 cho học sinh từ 12–18 tuổi. Credit: Adriana Adie/NurPhoto/Getty

Vào ngày 19 tháng 7 vừa qua, các cố vấn về vaccine ở Vương quốc Anh đã khuyến nghị hoãn tiêm vaccine cho hầu hết trẻ em dưới 16 tuổi, với lý do tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng ở nhóm tuổi này rất thấp. Tuy nhiên, một số quốc gia như Hoa Kỳ, Israel đã tiên phong trong việc tiêm vaccine COVID 19 cho trẻ em và trẻ vị thành niên, một số quốc gia khác hy vọng sẽ có thể làm theo khi nguồn cung vaccine cho phép.

Tiêm vaccine cho trẻ em có cần thiết không?

Kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID 19, SARS-CoV-2 đã ít có khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ em hơn so với người lớn. Nhưng một số trẻ vẫn bị ốm nặng và một loạt các triệu chứng kéo dài khi bị mắc COVID 19 khiến các bác sĩ nhi khoa thúc giục cần tiêm chủng vaccine COVID 19 cho trẻ em càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, các cố vấn về vaccine ở Vương quốc Anh đã khuyến cáo rằng chỉ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, hoặc sống với những người trưởng thành dễ bị lây nhiễm mới cần được tiêm vaccine vào lúc này.

Nhưng ở một số quốc gia, người ta vẫn chưa biết rõ về COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em. Ví dụ, một số bảng thống kê chính thức về các trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 ở châu Phi cận Sahara không phân tích các trường hợp theo độ tuổi. Do đó, các bác sĩ nhi khoa không biết liệu COVID 19 có ảnh hưởng như thế nào đến những trẻ em bị suy dinh dưỡng đồng thời mắc bệnh lao hoặc nhiễm HIV. Nadia Sam-Agudu, một bác sĩ nhi khoa làm việc tại Nigeria, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mình đang ở trong bóng tối”.

Tiêm phòng cho trẻ có an toàn không?

Một số loại vaccine đã được thử nghiệm ở thanh thiếu niên trên 12 tuổi, bao gồm vaccine mRNA do Moderna và Pfizer – BioNTech sản xuất và hai loại vaccine của Trung Quốc do Sinovac và Sinopharm sản xuất. Hoa Kỳ, Israel và Trung Quốc hiện đang cung cấp vaccine cho nhóm tuổi này.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, có một mối liên hệ tiềm ẩn giữa vaccine Pfizer và bệnh viêm tim. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được rằng vaccine đã gây ra chứng viêm tim như thế nào. Hầu hết những người bị ảnh hưởng đã hồi phục và dữ liệu cho thấy nguy cơ mắc các tình trạng này là “cực kỳ thấp”, bác sĩ nhi khoa David Pace tại Đại học Malta cho biết có khoảng 67 trường hợp trên một triệu liều thứ hai ở trẻ vị thành niên nam từ 12–17 tuổi, và 9 trường hợp ở trẻ vị thành niên nữ trong cùng độ tuổi.

Các nhà khoa học nhận định, cho đến nay các loại vaccine này dường như an toàn ở trẻ vị thành niên [1] và một số công ty đã chuyển sang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở trẻ nhỏ từ sáu tháng tuổi.

Tiêm chủng cho trẻ em và trẻ vị thành niên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đại dịch?

Malta đã tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số và hiện đang tiêm chủng cho thanh thiếu niên trên 12 tuổi. Việc thanh thiếu niên được tiêm chủng có thể làm giảm sự lây nhiễm cho những người lớn tuổi dễ bị tổn thương ở quốc gia này.

Theo Catherine Bennett, nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin, dữ liệu cho thấy trẻ em và đặc biệt là thanh thiếu niên có thể nhân tố quan trọng làm lây truyền coronavirus nhất là khi xuất hiện các biến thể mới. Khi virus lây nhiễm và tồn tại lâu trong các cơ thể có hệ miễn dịch tốt ở người trẻ, thì khả năng nó biến đổi vượt qua được sự chống đỡ này càng lớn. Điều đáng lo ngại có thể xảy ra chỉ từ 1 cộng đồng nhỏ có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Tiêm chủng cho trẻ em có công bằng không?

Chile cũng đang tiến hành tiêm vaccine cho những người từ 12 tuổi trở lên. Nhưng Miguel O’Ryan người đã thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng tích cực, cho biết: “Có lẽ các quốc gia không nên tiến hành tiêm chủng cho trẻ em quá nhanh. Các quốc gia khác, thậm chí cả các nước láng giềng của chúng tôi, đang phải vật lộn rất khó khăn để có đủ vaccine cho các nhóm nguy cơ cao của họ”.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói rằng các quốc gia giàu có đang tiêm chủng vaccine COVID 19 cho trẻ em như đối với nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, những người ủng hộ việc tiêm chủng cho trẻ em và trẻ vị thành niên lập luận rằng, việc được tiêm vaccine không phải là của một vài đối tượng cụ thể nào. Sam-Agudu chỉ ra rằng, một số quốc gia giàu có đã mua đủ lượng vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ và việc gửi vaccine ra nước ngoài “không nên loại trừ việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia có thu nhập cao hơn”.

***

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành giáo dục với các địa phương ngày 28/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát đã biểu chỉ đạo:

“Ví dụ vaccine nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trong thời gian tới khi nhập khẩu về thì dành vaccine này tiêm cho trẻ em. Như vậy lứa tuổi từ 12 trở lên có thể trở lại trường học bình thường. Với trẻ em dưới 12 tuổi, chúng ta làm việc sớm với các hãng và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có thể trong thời gian tới có vaccine phòng dịch cho các cháu. Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho các cháu. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp chống dịch khác như nhiều nước trên thế giới đang triển khai” (theo https://moh.gov.vn/)

Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Mai, K64CNSHE

Biên tập: ĐHG

Tài liệu tham khảo:

1.         Han B. et al. Lancet Infect. Dis. https://doi.org/10.1016/S1473-3099(21)00319-4 (2021).