Sáng ngày 19 tháng 6 năm 2019 tại phòng A305, Bộ mông Công nghệ vi sinh, khoa Công nghệ sinh học PGS. TS. Nguyễn Văn Giang đã trình bày báo cáo khoa học: Nghiên cứu đặc điểm sinh học của một số chủng vi sinh vật có khả năng sinh enzyme ngoại bào ứng dụng trong xử lý rác thải”, một hoạt động thường xuyên của nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ Vi sinh vật ứng dụng”. Đến tham dự buổi seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Công nghệ sinh học, thành viên của các nhóm nghiên cứu mạnh, giảng viên và sinh viên trong Khoa.

Nước ta đã và đang phát triển theo định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ vào GDP của đất nước. Theo thông báo của Tổng cục thống kê (https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid =621&ItemID=19177) diện tích trồng lúa đông xuân của cả nước tới 15/4/2019 đạt 3116,6 nghìn ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 404,8 nghìn ha ngô; 67,5 nghìn ha khoai lang; 134,2 nghìn ha lạc; 16,6 nghìn ha đậu tương và 590,4 nghìn ha rau đậu. Sau khi thu hoạch các sản phẩm chính, các ngành sản xuất nông nghiệp thải ra lượng sản phẩm phụ rất lớn. Các loại phụ phẩm này chứa các hợp chất carbohydarate, đặc biệt là cellulose, hemicellulose, lignin, là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho các loài vi sinh vật phát triển. Hiện nay, người sản xuất thường đốt rơm rạ, rác thải. Biện pháp xử lý này có tác động không tốt tới môi trường. Để góp phần giải quyết vấn đề trên, nhiều nhà khoa học đã chú ý tới hướng xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học từ vi sinh vật.

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý triệt để phụ phẩm nông nghiệp tạo thành phân bón hữu cơ sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là một trong các giải pháp tối ưu góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp có các ưu điểm vượt trội sau: (i) Có tác dụng cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng,..) trong môi trường đất; (ii) Ứng dụng các chế phẩm sinh học không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất; (iii) Có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản; (iv) Có tác dụng ức chế các tác nhân gây bệnh hại cây trồng, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng nhưng không ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; (v) Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các hợp chất phế thải nông nghiệp, công nghiệp góp phần làm sạch môi trường.

Trong báo cáo của mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Giang đã trình bày các kết quả thí nghiệm khảo sát khả năng phân huỷ cellulose của một số chủng vi nấm và vi khuẩn mới được phân lập từ các đống ủ rác và giá thể sau thu hoạch nấm ăn.

Sau phần trình bày của PGS.TS. Nguyễn Văn Giang, các thành viên tham dự đã có những thảo luận tích cực liên quan tới vấn đề bảo quản và ứng dụng các chủng giống vi sinh vật mới phân lập được. Kết quả các thí nghiệm đã cung cấp thêm nhiều kiến thức làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên, đặc biệt là các sinh viên chuẩn bị triển khai thí nghiệm để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Một số hình ảnh buổi seminar:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel