Ngày 13/3/2019 tại hội trường B, nhà Hành chính, khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức buổi seminar khoa học trong khuôn khổ sinh hoạt chuyên môn của các nhóm nghiên cứu mạnh. Đến tham dự buổi seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Công nghệ sinh học, thành viên của các nhóm nghiên cứu mạnh, giảng viên và sinh viên trong Khoa.

     Nhóm “Công nghệ sinh học Nano” do ThS. Nguyễn Thị Bích Lưu trình bày về "Ứng dụng chế phẩm nano bạc trong nuôi cấy mô cây lily" và TS. Bùi Thị Thu Hương trình bày về "Ứng dụng chế phẩm nano bạc trong nuôi cấy vi thủy canh cây chuối tiêu hồng". 

     Dưới đây là tóm tắt của 2 bài seminar

1. Ứng dụng chế phẩm nano bạc trong nuôi cấy mô cây lily

     Hoa Lily là một trong các loài hoa đẹp đang rất được ưa chuộng trên thị trường hoa hiện nay và có giá trị kinh tế cao hàng đầu thế giới. Lily được nhân giống thương mại trên diện rộng, ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào có thể chủ động sản xuất cây giống cũng như củ giống và là phương pháp được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề thường gặp phải là môi trường nuôi cấy mô cây lily giàu dinh dưỡng, là nơi thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển. Các hạt nano bạc có kích thước rất nhỏ (dưới 50 nm), có khả năng ứng dụng trong nuôi cấy mô tế bào thực vật để diệt khuẩn và tác dụng kích thích sự phát sinh hình thái của mô in vitro lily. Kết quả cho thấy, (i) xử lý bằng dung dịch NS 125ppm với thời gian 75 phút cho hiệu quả khử trùng mẫu vảy củ lily thương phẩm tốt nhất với tỉ lệ 73,33 % mẫu sống sạch; (ii) Môi trường MS có bổ sung 60g/l saccaroza, 7,5g/lagar, 0,5mg/l α- NAA và 2ppm nano bạc cho hiệu quả nhân nhanh củ in vitro hoa lily tốt nhất với hệ số nhân củ đạt 3,47 sau 6 tuần nuôi cấy; (iii) Khả năng ra rễ của củ in vitro hoa lily đạt hiệu quả tốt nhất trong môi trường MS có bổ sung 30g/l saccaroza, 7,5 g/l agar, 1g/l THT và 4ppm nano bạc với số rễ trung bình là 8,2 và chiều dài rễ trung bình là 1,85 sau 4 tuần nuôi cấy.

2. Ứng dụng chế phẩm nano bạc trong nuôi cấy vi thủy canh cây chuối tiêu hồng

     Chuối Tiêu Hồng (M.acuminata), ngoài giá trị dinh dưỡng cao còn có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuối Tiêu Hồng có thể được nhân giống bằng phương pháp nhân giống in vitro với hệ số nhân giống cao, sạch bệnh, cây cho thu hoạch đồng loạt. Khi chuẩn bị ra cây vườn ươm, giai đoạn thích ứng môi trường, chuối tiêu hồng được trồng trong hệ thống vi thủy canh là bổ sung Nano bạc nhằm thử nghiệm hiệu quả của chúng với mẫu. Kết quả thí nghiệm cho thấy cây Chuối tiêu hồng trong môi trường được bổ sung trực tiếp IBA 1ppm hay α- NAA 1ppm có sự tăng trưởng tốt hơn việc tiền xử lý IBA 500ppm trong 20 phút hay α-NAA 500ppm trong 20 phút và tốt hơn cây Chuối tiêu hồng được tiền xử lí với nước cất. Ở thể tích môi trường 30ml và mật độ 3 cây trong hệ thống vi thủy canh thu được kết quả sinh trưởng là tốt nhất. Bổ sung Nano bạc ở nồng độ 4ppm thu được tỷ lệ ra rễ, hệ số rễ và chiều dài rễ là tốt nhất. 

     Sau phần trình bày của hai nhóm, các thành viên tham dự đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh hai chủ đề này. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên đặc biệt là các em sinh viên chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp.

Một số hình ảnh tại buổi seminar:

leftcenterrightdel
ThS. Nguyễn Thị Bích Lưu 
leftcenterrightdel
TS. Bùi Thị Thu Hương  
leftcenterrightdel
 Các thành viên tham dự buổi seminar