Ngày 3 tháng 9 năm 2021, nhóm nghiên cứu xuất sắc Công nghệ Sinh học ứng dụng đã tổ chức thành công buổi seminar sinh hoạt chuyên môn do TS. Đinh Trường Sơn trình bày với topic “Đánh giá đa dạng di truyền của 20 mẫu Bát giác liên (Dysosma tonkinense) thu thập ở 13 tỉnh của Việt Nam”. Buổi seminar có sự tham gia của 16 thành viên khoa Công nghệ sinh học và Nông học.

Bát giac liên (Dysosma tonkinense (Gagnep.) M. Hiroe (Berberidaceae)) là một cây thuốc quý, phân bố ở Việt Nam và khu vực phía Nam Trung Quốc. Rễ và thân rễ khô của D. tonkinense đã được sử dụng để điều trị rắn độc cắn, loét và ung thư. Bát giác liên phân bố ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, do đó việc khảo sát, phân tích sự đa dạng di truyền của các mẫu Dysosma tonkinense thu thập từ các tỉnh thành bằng chỉ thị ISSR và RAPD sẽ bổ sung thêm các dẫn liệu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen của cây dược liệu quý này.

Nghiên cứu đã sử dụng 24 mồi ISSR và 11 mồi RAPD để phân tích đa dạng di truyền của 20 mẫu giống Bát giác liên thu thập được từ 13 tỉnh bao gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Kết quả cho thấy: hệ số tương đồng giữa các cặp cá thể dao động từ 0,59-0,85; 0,60-0,98 và 0,62-0,89 khi phân tích bằng chỉ thị ISSR, RAPD và kết hợp giữa ISSR-RAPD. Từ các nghiên cứu trên, các tác giả đã đưa ra kết luận: các chỉ thị ISSR và RAPD là rất hữu hiệu trong đánh giá sự đa dạng di truyền của 20 mẫu D. tonkinense được thu thập ở 13 tỉnh của Việt Nam. Sự kết hợp hai chỉ thị RAPD và ISSR cung cấp thông tin tốt hơn về sự đa dạng di truyền của các mẫu D. tonkinense thu thập được. Kết quả phân tích sự đa dạng di truyền của quần thể 20 mẫu D. tonkinense thu thập được có thể được ứng dụng trong cải tiến di truyền, quản lý và bảo tồn nguồn gen D. tonkinense ở Việt Nam.

Các thành viên tham gia seminar đã thảo luận sôi nổi về nội dung bài báo cáo cũng như trao đổi các kết quả nghiên cứu của nhóm trong thời gian qua.

Một số hình ảnh về buổi seminar khoa học:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Nhóm nghiên cứu xuất sắc "Công nghệ sinh học ứng dụng"