Ngày 07/9/2022, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen - protein tái tổ hợp”, khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức buổi seminar sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề sau:
Chủ đề 1: “Đánh giá mối liên quan giữa đa hình gen PRL/C2162G với khả năng sản xuất trứng ở gà Liên Minh” do TS. Trần Thị Bình Nguyên trình bày.
Chủ đề 2: “Phân tích đa dạng di truyền cây quế bằng chỉ thị phân tử ADN” do ThS. Phan Thị Hiền trình bày.
Đây là một trong các chuỗi hoạt động thường kỳ của nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen - protein tái tổ hợp” nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Tham dự buổi seminar là sự góp mặt của các thầy/cô trong nhóm nghiên cứu mạnh cùng giảng viên, cán bộ trong khoa và sinh viên đang theo học tại Khoa.
TS. Trần Thị Bình Nguyên trình bày báo cáo
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của TS. Trần Thị Bình Nguyên với chủ đề “Đánh giá mối liên quan giữa đa hình gen PRL/C2162G với khả năng sản xuất trứng ở gà Liên Minh”. Gà Liên Minh là giống gà bản địa, mang nhiều đặc tính quý, thịt thơm ngon và gắn liền với sự phát triển kinh tế của người dân thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên nguồn cung không đủ so với nhu cầu của người dân, do gà Liên Minh có năng suất trứng thấp, gây khó khăn cho việc phát triển đàn. Mục đích của nghiên cứu là xác định mối quan hệ giữa đa hình nucleotide (SNP) gen Prolactin (PRL C-2161G), tìm kiếm gen liên quan với khả năng sinh sản ở gà Liên Minh. Các chỉ tiêu được theo dõi trên 03 lô gà mái Liên Minh bao gồm: ngày bắt đầu đẻ trứng, số lượng trứng, khối lượng quả trứng đầu tiên, khối lượng trứng trung bình và chỉ số hình dạng trứng trung bình. Đa hình gen tại vị trí C-2161G thuộc vùng điều khiển (PRL) đã được xác định, với sự phân bố kiểu gen CC(0,01); CG (0,26) và GG (0,73). Đã đánh giá được mối liên quan giữa đa hình gen PRL/C2161G trên gà Liên Minh trong điều kiện bán tự nhiên được xác định là có tác động đến khả năng sản xuất trứng của gà Liên Minh, cụ thể là gà mang kiểu gen CG có lợi hơn các kiểu gen khác về mặt di truyền với mức ý nghĩa thống kê (P <0,05). Gà mái mang kiểu gen CG có số lượng trứng là 496 quả trứng; tỷ lệ đẻ 29,5%; khối lượng trứng trung bình 44,547±4,561, cả ba chỉ tiêu này ở gà mang gen CG đều cao hơn ở gà mang các kiểu gen còn lại.
ThS. Phan Thị Hiền trình bày báo cáo
Tiếp theo chương trình, ThS. Phan Thị Hiền trình bày báo cáo “Phân tích đa dạng di truyền cây quế bằng chỉ thị phân tử ADN”. Nôi dung của báo cáo chỉ rõ vai trò của cây quế trong y tế, trong ẩm thực đặc biệt là trong phát triển kinh tế của bà con nông dân vùng cao. Báo cáo cũng đã chỉ ra sự đa dạng các giống quế ở miền Bắc Việt Nam dựa trên nghiên cứu về chỉ thị phân tử ADN. Qua đó có 4 nhóm mẫu giống quế đang được trồng ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra báo cáo cũng đề cập đến hàm lượng coumarin trong quế. Theo các chuyên gia, hàm lượng coumarin trong cơ thể quá cao sẽ trở thành độc tố gây tổn thương cho gan. Hấp thụ lượng lớn coumarin, không chỉ gây tổn thương cho gan mà còn làm tăng nguy cơ bị ung thư và đây cũng được coi là chất chống đông máu. Trong thực tiễn sản xuất quế, hàm lượng Coumarin ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quế. Nếu hàm lượng coumarin cao (>4000 mg/kg) thì quế không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính vì vậy những giống quế có hàm lượng coumarin thấp sẽ được ưu tiên phát triển hơn. Qua phân tích hàm lượng coumarin của các nhóm giống quế nhận thấy nhóm giống quế ở Quảng Ninh có hàm lượng coumarin thấp nhất, đạt 2569,0 mg/ kg, trong khi đó nhóm quế ở Yên Bái có hàm lượng cao nhất, đạt 5625,0 mg/kg.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của buổi seminar:
Hình ảnh buổi Seminar
Gà Liên Minh được chăn nuôi tại Thôn Liên Minh – Trân Châu – Cát Hải – Hải Phòng
Hình đại diện kết quả điện di sản phẩm PCR các đa hình gen PRL/C2162G trên gel Agarose 2%
Phương pháp tách chiết AND cho 20 mẫu giống quế
Điện di sản phẩm RAPD – PCR của 20 mấu giống quế
Sơ đồ mối quan hệ di truyền giữa 20 mẫu giống quế