Ngày 15 tháng 9 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen-protein tái tổ hợp” – khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức buổi seminar sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Influences of silver nanoparticles in vitro morphogenesis of specialty king banana (Musa ssp.) in Vietnam” do TS. Bùi Thị Thu Hương trình bày.

Chuyên đề 2: “Nghiên cứu nhân giống in vitro cây hoa sen Hồ Tây (Nelumbo nucifera Gaertn.) từ hạt” do ThS. Nguyễn Thị Bích Lưu trình bày.

Tham dự buổi seminar là sự góp mặt của các thầy, cô trong nhóm nghiên cứu mạnh cùng giảng viên, cán bộ trong khoa CNSH.

leftcenterrightdel
 Bài trình bày của TS. Bùi Thị Thu Hương

Mở đầu buổi seminar, TS. Bùi Thị Thu Hương đã báo cáo về kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các nồng độ khác nhau của các hạt nano bạc (AgNPs) đến sự hình thành callus, tái sinh và nhân chồi, cảm ứng ra rễ và giai đoạn ươm trong quá trình nhân giống in vitro cây chuối ngự Đại Hoàng. Các kết quả cho thấy khoảng 98,0% mẫu hình thành callus trong môi trường MS được bổ sung 8,0 ppm AgNPs sau 3 tuần nuôi cấy. Các callus sau đó được nuôi cấy trên môi trường MS có bổ sung các nồng độ AgNPs khác nhau (0,0, 2,0, 4,0 và 6,0 ppm) để tái sinh chồi. Môi trường bổ sung 4,0 ppm AgNPs có số chồi/mẫu cao nhất, trong khi đó, tỉ lệ tái sinh chồi cao nhất (93,33%) được ghi nhận ở môi trường nuôi cấy được bổ sung 6,0 ppm AgNPs, với hệ số nhân chồi là 4,22. Tương tự, môi trường bổ sung 4,0 ppm AgNPs là tốt nhất để tạo rễ in vitro cho chồi với tỉ lệ ra rễ đạt 98,33%, trung bình mỗi chồi có 5,22 rễ, chiều dài rễ tương ứng là 4,26 cm. Cây con có đặc điểm nổi bật ở giai đoạn vườn ươm là cao 8,17 cm, 1,68 lá / cây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, AgNPs đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến sự phát sinh hình thái in vitro của chuối ngự Đại Hoàng. Những kết quả này có thể mở ra một cơ hội mới cho việc sử dụng AgNPs trong nuôi cấy để phát triển và bảo tồn in vitro các giống cây trồng, đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

leftcenterrightdel
  Bài trình bày của ThS. Nguyễn Thị Bích Lưu

Tiếp nối là bài trình bày của ThS. Nguyễn Thị Bích Lưu về “Nghiên cứu nhân giống in vitro cây hoa sen Hồ Tây (Nelumbo nucifera Gaertn.) từ hạt”. Hoa sen một loài hoa đẹp có giá trị quan trọng không những về dinh dưỡng, cảnh quan, dược liệu mà còn có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo. Sen Hồ Tây (Nelumbo nucifera Gaertn.) còn được gọi là sen Bách Diệp có đặc trưng là cánh hoa kép, màu hồng, hương thơm đặc biệt và được coi đặc sản, một phần của văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của thời gian khử trùng, các kiểu môi trường và một số chất điều tiết sinh trưởng như BA, α-NAA đến sự nhân giống in vitro cây sen Hồ Tây. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạt sen được xử lý bằng Javel 30% trong 10 phút cho hiệu quả khử trùng tốt nhất, với tỉ lệ mẫu sạch và tái sinh chồi đạt 95,00%. Ở thí nghiệm nhân nhanh chồi, môi trường MS lỏng (không bổ sung agar) có 1,5 mg/l BA cho hệ số nhân chồi là 2,95 lần, môi trường MS rắn (có bổ sung 8 g/l agar) 1,5 mg/l BA cho hệ số nhân chồi là 3,69 lần, trong khi đó ở môi trường kết hợp hai lớp rắn, lỏng như trên (lớp dưới rắn, lớp trên lỏng, tỉ lệ hai lớp là 1:1) cho hệ số nhân chồi cao nhất đạt 5,56 lần. Ở thí nghiệm ra rễ, môi trường MS có bổ sung 1,5 mg/l α-NAA là môi trường thích hợp nhất cho sự tạo rễ in vitro chồi sen, với số rễ trung bình đạt 12,07 rễ/chồi và chiều dài rễ trung bình là 11,18 mm. Tỉ lệ sống trung bình của chồi in vitro hoàn chỉnh trên giá thể đất bùn là gần 77% sau 2 tuần nuôi trồng.

Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên.

   
   
   
Một số hình ảnh trong buổi seminar