Ngày 22 tháng 9 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen-protein tái tổ hợp” – khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức thành công buổi seminar sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Thiết kế và ứng dụng các chỉ thị ADN xác định các gen liên quan đến tính kháng đạo ôn ở một số giống lúa bản địa của Việt Nam” do ThS. Phương Hữu Pha trình bày.

Chuyên đề 2: “Nghiên cứu tạo chủng Pichia pastoris tái tổ hợp mang gen mã hóa lactoferrin từ bò” do ThS. Trịnh Thị Thu Thủy trình bày.

Tham dự buổi seminar là sự góp mặt của các thầy/cô trong nhóm nghiên cứu mạnh cùng giảng viên, cán bộ trong khoa.

Bài trình bày của ThS. Phương Hữu Pha

Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của ThS. Phương Hữu Pha về “Thiết kế và ứng dụng các chỉ thị ADN xác định các gen liên quan đến tính kháng đạo ôn ở một số giống lúa bản địa của Việt Nam”. Sau quá trình nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy tất cả 17 giống lúa bản địa nghiên cứu đều mang trình tự tương đồng với cả gen Pit Pi21. Đối với gen Pit đã thu nhận được 9 đoạn trình tự tương đồng có độ dài ít hơn 3 nucleotide và 8 đoạn trình tự tương đồng có độ dài ít hơn 20 nucleotide (bao gồm 3 nucleotide bên trên và đoạn mất 17 nucleotide). Đối với gen Pi21 đã thu nhận được 9 đoạn trình tự tương đồng có độ dài bằng và tám đoạn trình tự tương đồng của các giống còn lại có độ dài ít hơn 24 nucleotide. Đã thiết kế được trình tự mồi đặc hiệu với gen Pit (PitF:TCTTAACGACTGCCCAAAACT/PitR:AGATTACAGAGATTGGAAATTCTC) và Pi21 (Pi21F: GACCCGGAGAAGCTGTGCAAGA/Pi21R:CTTTGGGCAGCACC ACTGCC), cặp mồi này đã được chứng minh là có khả năng nhân lên đoạn gen từ ADN của các giống lúa bản địa của Việt Nam.

Bài trình bày của ThS. Trịnh Thị Thu Thủy

Tiếp nối là bài trình bày của ThS. Trịnh Thị Thu Thủy về “Nghiên cứu tạo chủng Pichia pastoris tái tổ hợp mang gen mã hóa lactoferrin từ bò”. Trong nghiên cứu này, cấu trúc tái tổ hợp pPICZɑ::blfopt mang gen mã hóa lactoferrin bò đã được tối ưu hóa mã di truyền được biểu hiện thành công ở chủng nấm men Pichia pastoris. Tiếp theo, chủng P.pastoris tái tổ hợp được tiến hành lên men trong môi trường BMMY, cảm ứng bằng methanol 0,5% sau mỗi 24 giờ. Lactoferrin được thu nhận và tiến hành khảo sát hoạt tính kháng khuẩn đối với các chủng vi sinh vật gây bệnh C. albicans, S. aureaus và E.coli. Kết quả nghiên cứu cho thấy lactoferrin thủy phân gần hoàn toàn bằng pepsin cho hoạt tính kháng khuẩn cao hơn so với lactoferrin nguyên bản. Kết quả nghiên cứu bước đầu mở ra một triển vọng cho hướng phát triển nghiên cứu về các hợp chất kháng khuẩn có khả năng thay thế kháng sinh. 

Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên.







Một số hình ảnh trong buổi seminar