Ngày 15-16/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đã phối phợp với UBND huyện Bắc Hà tổ chức Hội thảo Thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai. Rất đông các đại biểu đã tham gia Hội thảo trong đó có đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế); Viện Bảo vệ thực vật; một số trường đại học, cao đẳng khu vực miền núi phía Bắc; đại biểu các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên; đại diện một số công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dược liệu trong và ngoài tỉnh Lào Cai.
Nhằm tăng cường nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực cây dược liệu cũng như thực hiện các thỏa thuận hợp tác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cử đoàn công tác tham gia Hội thảo trong đó đại diện là PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Công nghệ sinh học và TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển cây dược liệu.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 15/7/2023, các đại biểu đã tham quan, thực tế vùng sản xuất nguyên liệu dược cát cánh tại thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư và xã Hoàng Thu Phố, vườn tam thất tại xã Nậm Mòn và trại Nghiên cứu rau quả Bắc Hà. Qua đó, các đại biểu có thể nhìn ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất cây dược liệu của tỉnh Lào Cai để góp ý, đưa ra những biện pháp khắc phục.
Các đại biểu thăm vùng trồng cây dược liệu cát cánh tại xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà
Tại phiên Hội thảo ngày 16/7/2023, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai thông tin về thực trạng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và và định hướng phát triển cây dược liệu trong thời gian tới. Cùng với đó là các bài tham luận của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Viện Bảo vệ thực vật, Bệnh viện Y học cổ truyền, Công ty Cổ phần Nam dược …
Các đồng chí Hoàng Quốc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Đỗ Văn Duy – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Nguyễn Duy Hòa – Bí thư huyện ủy Bắc Hà điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo
Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe các ý kiến tham gia của các Hợp tác xã, hộ gia đình trực tiếp sản xuất cây dược liệu về việc lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến. Trong ý kiến tham luận của TS. Phạm Phú Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu đã chia sẻ về tình hình nghiên cứu và đào tạo liên quan đến lĩnh vực cây dược liệu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thế mạnh của Học viện trong việc phối hợp phát triển cây dược liệu và các sản phẩm dược, mỹ phẩm. Từ đó, tăng cường hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nói chung về công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP gắn với cây dược liệu; thực hiện các đề tài nghiên cứu, xác định thành phần loài sinh vật hại trên các loại cây dược liệu chủ lực tại Lào Cai và xác định đối tượng gây hại chính cần phải phòng trừ, nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phòng chống tổng hợp sinh vật hại cây dược liệu …
TS. Phạm Phú Long phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, đoàn đại biểu đã tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lào Cai. Hội thảo đã diễn tra thành công tốt đẹp./.
Khoa Công nghệ sinh học