Công nghệ sinh dược là gì?

Công nghệ sinh học dược (công nghệ sinh dược) là một ngành mới, kế thừa và phát triển những thành tựu của công nghệ sinh học trong việc sản xuất thuốc và các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp. Từ những giai đoạn sơ khai của công nghệ sinh học, con người đã biết sử dụng các loài thực vật và một số loài sinh vật sống khác làm các vị thuốc để chữa bệnh. Công trình thế kỷ về giải mã thành công bộ genome người (năm 2001), công nghệ big data đánh dấu kỷ nguyên mới trong nghiên cứu về các hướng điều trị bệnh trên cơ sở phân tích dữ liệu bộ genome.

Công nghệ sinh học dược đã trở thành một công cụ quan trọng trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm. Số lượng thống kê cho thấy khoảng 15% doanh thu từ thuốc thuộc về công nghệ sinh dược. Công nghệ sinh dược còn tham gia vào các công đoạn khác nhau trong xét nghiệm cận lâm sàng, điển hình là các bệnh liên quan đến u bướu, rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ cơ xương khớp và các bệnh truyền nhiễm. Dự báo trong tương lai, mức độ liên quan của dược phẩm sinh học sẽ còn tăng lên.

Ví dụ điển hình cho xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh dược trong tương lai là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin SARS-CoV-2. Ngay sau khi vi rut COVID19 xuất hiện, nhiều loại vắc xin được chế tạo với các phương pháp khác nhau của CNSH như công nghệ vắc xin vector (AstraZeneca, Sputnik V), công nghệ vắc xin mRNA (Pfizer và Moderna); trong đó Việt Nam cũng đang phát triển cùng lúc 4 loại vắc xin đều dùng CNSH như ADN tái tổ hợp (Nanocovax) và vector virus (Covivax, Polyvac và Vabiotech). Điều này cho thấy đầu tư vào công nghệ cao bền vững như công nghệ sinh dược có tầm quan trọng sống còn đối với một quốc gia trong phát triển các sản phẩm mới, các quy trình, phương pháp và dịch vụ mới và cải tiến những sản phẩm hiện có. Chính vì vậy, ngày 21/04/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 553/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp sinh học đến năm 2030, nêu rõ: “Công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược tập trung vào sản xuất các loại vaccine; dược liệu; thuốc sinh học, kháng sinh, kháng thể, sản phẩm sinh học; kít phục vụ chẩn đoán; thực phẩm chức năng; các thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực y dược”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và là cơ hội phát triển để ngành công nghệ sinh dược có những bước đột phá quan trọng trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm chất lượng và phát triển nguồn nhân lực.

leftcenterrightdel
Các hướng nghiên cứu và ứng dụng của Công nghệ Sinh dược 

Ngành học “Công nghệ sinh dược” tại học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nhằm phát huy và ứng dụng Công nghệ sinh học để đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp dược ở Việt Nam, từ năm học 2021-2022 Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức mở ngành đào tạo “Công nghệ Sinh dược”. Với đội giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của khoa Công nghệ sinh học trong chương trình Công nghệ sinh học và công nghệ sinh dược được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại các nước có trình độ phát triển công nghệ sinh dược cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức, Mỹ,… Hoạt động giảng dạy kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã hỗ trợ giảng viên truyền tải được những kiến thức từ lý thuyết đến thực tế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hỗ trợ của khoa rất chuyên nghiệp, trách nhiệm và nhiệt tình đảm bảo công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ năng bản thân được thuận lợi nhất.

Trở thành sinh viên ngành công nghệ sinh dược người học có cơ hội được học, trải nghiệm kết hợp nghiên cứu khoa học để củng cố và tăng cường những khối kiến thức cơ bản và chuyên sâu để đạt được những chuẩn đầu ra theo quy định. Người học sẽ được thực hành, thực nghiệm tại các hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, trại thực nghiệm, khu thí nghiệm, khu trình diễn, khu mô hình nghiên cứu về công nghệ sinh học và công nghệ sinh dược; được thực tế tại các đơn vị sản xuất, quản lý và kinh doanh các sản phẩm dược. Trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Học viện, người học được bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm để phát triển 10 kỹ năng cốt lõi để hội nhập quốc tế và rèn luyện kỹ năng cho người đi làm giai đoạn 2020 – 2025 được đề cập từ diễn đàn kinh tế thế giới gồm: Giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người, làm việc nhóm hiệu quả, trí thông minh cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, phục vụ khách hàng, đàm phán, nhận thức linh hoạt.

Sau khi tốt nghiệp người học sẽ được đào tạo để có thể làm chủ và phát huy các kỹ thuật Công nghệ sinh học trong nghiên cứu bào chế, phát triển và kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm nhằm làm việc hiệu quả trong nước và môi trường quốc tế.

Cơ hội việc làm rộng mở cho người tốt nghiệp ngành công nghệ sinh dược

Người học tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh dược sau khi đạt được các chuẩn đầu ra theo quy định, có khả năng làm việc tại rất nhiều các vị trí và đơn vị khác nhau, cụ thể:

– Cán bộ quản lý khoa học và công nghệ tại các cơ quan, tổ chức nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế, dược phẩm.

– Cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên tại các Viện, trung tâm nghiên cứu về sinh học, công nghệ sinh học, dược phẩm, dược liệu.

– Chuyên gia cho các công ty sản xuất, bào chế và kinh doanh dược mỹ phẩm, chế phẩm sinh học.

– Điều hành, quản lý sản xuất và đảm bảo chất lượng tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, dược phẩm và dược liệu.

– Cán bộ phân tích, xét nghiệm trong bệnh viện, cơ sở y tế.

– Cán bộ kỹ thuật cho các cơ sở trồng cây thuốc, sơ chế và chế biến dược liệu.

– Tiếp tục học tập nâng cao trình độ, chuyên môn và nghiệp vụ về công nghệ sinh dược.

– Tự lập nghiệp, tự sáng tạo để làm chủ và vận hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh dược: sản xuất dược liệu, bào chế dược liệu, thương mại hoá dược mỹ phẩm có nguồn gốc sinh học.