Trong bối cảnh suy thoái và chịu ảnh hưởng chung của toàn cầu bởi đại dịch SAR-Covid19, Việt Nam là một trong những quốc gia từng bước thành công trong việc kiểm soát dịch, chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế. Việc thực hiện tốt 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khai báo y tế - Khoảng cách – Không tụ tập đông người) cũng như sự đoàn kết và dồn tổng lực “chống dịch như chống giặc” đã giúp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kép và đạt được thành tựu “chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ và vị thế” (Trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng). Theo đánh giá của ADB, Việt Nam, Brunei, và Myanma là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương trong đại dịch Covid (Hình 1).
|
|
Hình 1. Tỷ lệ tăng trưởng GPD của các nước Asean giai đoạn 2018 – 2021 (Nguồn: ADB Sep-2020, Asian Development Outlook) |
Đại dịch SAR-Covid19 đã càn quét qua tất cả các lĩnh vực của nhân loại trên toàn thế giới và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hoá do các lệnh phong toả đất nước, giới nghiêm, hạn chế đi lại. Tuy nhiên, trong khó khăn, nông nghiệp đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ khi đảm bảo an toàn lương thực.
|
|
Hình 2: Hệ thống an ninh lương thực trước (a) và sau khi đại dịch xảy ra (b). Các chủng loại sản phẩm nông nghiệp và lượng khách hàng giữ ổn định, tuy nhiên, các phương thức tiếp cận sản phẩm, nhu cầu và khả năng cung úng bị suy giảm đáng kể (Nguồn: Raúl Siche , 2020. What is the impact of COVID-19 disease on agriculture? Scientia Agropecuaria). |
Bên cạnh những tác động nặng nề của dịch bệnh thì nền sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với ngày càng nhiều hơn những thách thức và hậu quả của biến đổi khí hậu và sự nóng lên của Trái Đất. Trong thời gian gần đây, chúng ta ghi nhận những ngày nắng nóng kỷ lục, mùa hè dài hơn; những ngày mùa đông rét nước đóng băng, mùa đông ngắn hơn nhưng khắc nghiệt hơn; sự nhiễm mặn, hạn hán kéo dài đã đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp vào những thử thách cam go hơn. Tuy nhiên, chính trong bổi cảnh nhiều ngành nghề khác bị tê liệt vì đại dịch thì hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được diễn ra, đóng vai trò chủ lực trong việc bình ổn giá tiêu dùng và cung cấp đủ thực phẩm góp phần đáng kể vào công cuộc chống dịch. “Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì đây là những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề cho bứt phá trong thời gian tới”(https://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-tieu-thu-nong-san-trong-bao-dich-covid-19-580888.html).
Phương pháp PCR dùng để xét nghiệm chẩn đoán mắc virus SAR-Covid 19 là một kỹ thuật rất phổ biến trong công nghệ sinh học, trong đó sử dụng các cặp mồi đặc hiệu để nhân nhanh một đoạn gen trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học trong quá trình học đều được tham gia các bài thực hành kỹ thuật PCR.
Như vậy, để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm, thì việc áp dụng công nghệ 4.0 và các công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và thương mại hoá là thực sự cần thiết. Trong đó, việc áp dụng các quy trình, các công nghệ thuộc công nghệ sinh học như công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ vi sinh vật, sinh học phân tử, công nghệ gen, sinh học phân tử, công nghệ nano để chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chống chịu các tác động xấu của các yếu tố sinh học, phi sinh học; các chủng vi sinh vật có lợi tạo các chế phẩm sinh học…..là thực sự cần thiết.