Đà Lạt từng đi vào lòng người qua những áng văn thơ trữ tình, mơ mộng. Nhưng chỉ khi được tự mình đặt chân đến nơi đây mới thật sự đắm chìm vào những cảm xúc chân thật nhất của riêng mình. Đối với những cô cậu sinh viên, không khí trong lành và có chút se lạnh của Đà Lạt “xứ sở tình yêu” hay những góc nhỏ mang dáng vẻ yên bình hiếm thấy cùng với nếp sống gần gũi, mến khách của con người Đà Lạt. Hẳn những điều giản dị đó đã in hằn trong tiềm thức của mỗi sinh viên K64CNSHE, một cảm xúc thật khác lạ, vừa dịu dàng vừa êm ái vừa mạnh mẽ xôn xao.

Nhưng điều làm nhóm sinh viên thực tập nghề nghiệp quyến luyến nhất khi rời xa mảnh đất dịu hiền này chính là tình cảm và lòng hiếu khách của những con người nơi đây và đặc biệt là những cán bộ công tác tại Công ty Dalat Hasfarm. Trở lại thành phố Hà Nội sau chuỗi ngày thực tập thực tế ở Dalat Hasfarm tại 450 Nguyên Tử Lực, P.8, Đà Lạt, trong lòng các cô cậu sinh viên K64CNSHE vẫn đọng lại vô vàn những cảm xúc khó gọi tên.

Dalat Hasfarm-Công ty hoa tươi số một Châu Á-Thái Bình Dương

Ngay khi vừa bước vào Công ty, tập thể lớp K64CNSHE đã được cán bộ Công ty - anh Nguyễn An Vượng tiếp đón nồng nhiệt. Anh đã đồng hành, hỗ trợ và tận tâm chia sẻ trong suốt khoảng thời gian tham quan tại Công ty. Tại nơi được coi là “Công ty hoa tươi số một Châu Á-Thái Bình Dương”, anh Vượng tự hào chia sẻ “Hoa tươi tại Dalat Hasfarm được làm từ trái tim của Việt Nam”.

Tập thể sinh viên K64CNSHE cùng thầy cô và anh Nguyễn An Vượng

 

Tại công ty Dalat Hasfarm, lần đầu tiên sinh viên K64CNSHE được tự mắt trải nghiệm một quy trình vô cùng nghiêm ngặt với quy mô cực kì lớn trong trồng hoa, đặc biệt là hoa cúc. Mỗi một thành viên đều được tự mình đi qua các giai đoạn “cảm lạnh”, với nhiệt độ giảm từ từ xuống đến còn 2-4 oC tại các kho lạnh lưu trữ hoa. Sinh viên được trải nghiệm, được tìm hiểu về kĩ thuật trồng hoa, về quy mô nhà kính công nghệ cao hiện đại được điều khiển hoàn toàn tự động bằng các hệ thống thiết lập dựa trên những cảm biến được lắp đặt sẵn…

Kho lạnh bảo quản hoa sau thu hoạch và xe vận chuyển hoa chuyên dụng
Sinh viên K64CNSHE cùng cán bộ công ty tham quan khu vực trồng cây con và giá thể
Tập thể K64CNSHE cùng thầy cô cùng sự nồng nhiệt tiếp đón của Giám đốc trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (PVFC) - TS. Nguyễn Thế Nhuận

Trạm dừng chân tiếp theo của nhóm sinh viên là Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (PVFC) nơi được coi là tiên phong trong nghiên cứu sản xuất giống mới. Tại đây, TS. Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm cho hay: Trung tâm đang xây dựng dự án “Smart farm - Ứng dụng nông nghiệp thông minh trong nông nghiệp” sử dụng các yếu tố công nghệ cao được áp dụng chủ yếu là canh tác trong điều kiện nhà màng. Hệ thống tưới tiêu tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, châm phân tự động thông qua các ứng dụng smart phone để điều khiển và tưới theo chế độ, tưới theo nhu cầu; canh tác trên giá thể sử dụng giống phù hợp. Cùng với sự am hiểu, TS. Nguyễn Thế Nhuận khẳng định “Trong quá trình trồng trọt, giống là thứ quan trọng nhất vì chúng quyết định năng suất các vụ mùa”.

Đặc biệt hơn là công nghệ nhân giống “nuôi cấy mô tế bào” phát triển rất mạnh với cơ sở ứng dụng cùng hệ số nhân giống cao, tạo số lượng cây sạch bệnh lớn. Nhiều đối tượng được nhân giống bằng phương pháp nhân vô tính như dâu tây, khoai tây ruột màu, hoa cắt cành... Hơn nữa, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều công nghệ mới như công nghệ thuỷ canh, khí canh, phân bón thông minh, công nghệ nano, công nghệ 4.0 công nghệ thông tin nhằm tiếp cận dần với tiết kiệm chi phí và nhân công lao động.

Trung tâm được coi là nơi ứng dụng cơ giới hoá phát triển mạnh như gieo hạt bằng máy trong các vườn ươm, cũng như là tiên phong trong công nghệ sử dụng gốc ghép (cà chua). Với niềm tự hào và khẳng định, TS. Nguyễn Thế Nhuận chia sẻ: 100% sản xuất cà chua tại Lâm Đồng đều sử dụng gốc ghép và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao với khả năng của một công nhân ở trung tâm “trong 1 tiếng có thể ghép đến 660 cây cà chua”.    

TS. Nguyễn Thế Nhuận và các giống cà chua do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa lai tạo, chọn lọc

 Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã mang lại cho sinh viên những trải nghiệm mới mẻ và bổ ích. Bên cạnh những lời chia sẻ tận tình từ tiến sĩ, sinh viên còn được đặt chân tham quan các mô hình canh tác công nghệ cao (cà chua, dâu, hoa) và thưởng thức chùm cà chua đỏ mọng tại đây.

Một số mô hình canh tác công nghệ cao sinh viên K64CNSHE được tham quan

Nhờ TS. Nguyễn Thế Nhuận nhóm sinh viên thực tập nghề nghiệp có thể phần nào có một ánh nhìn bao quát về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, cũng như tại trung tâm và về những hoạt động những thành tựu mà trung tâm đã đạt được. Với khí hậu thuận lợi, kết hợp các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, các giống cây có thể được tạo ra tại trung tâm với năng suất và hiệu quả cao, sản phẩm an toàn và thậm chí có giống cây có thể sản xuất quanh năm (khoai tây) nhằm đáp ứng nhu cầu người dân.

Qua chuyến đi, sinh viên được biết và tận mắt trải nghiệm và cụ thể hoá những kiến thức được học ở giảng đường vào thực tiễn. Không những thế còn được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành và kĩ năng đội nhóm, về làm việc tập thể, tri thức mới mà sách vở chưa đề cập đến. Từ đó, hun đúc thêm niềm say mê, yêu nghề và biết quý trọng gìn giữ các gía trị cốt lõi của kiến thức. Bên cạnh đó những thông tin thu thập được từ chuyến đi sẽ là những nguồn tư liệu quý phục vụ cho việc học tập và công việc sau này của mỗi bạn sinh viên.

Tập thể lớp K64CNSHE