Ngày 21 tháng 12 năm 2023, được sự cho phép của Ban Giám Đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban Khoa học công nghệ và Ban chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen – protein tái tổ hợp” tổ chức Hội thảo khoa học cấp Học viện với tiêu đề Công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Sau bài phát biểu khai mạc Hội thảo của TS. Phạm Thị Dung- Phó Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hôi thảo được nghe các báo cáo của các diễn giả đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ sinh học.

1. Ứng dụng công nghệ tế bào trong nhân giống cây trồng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững – PGS.TS. La Việt Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học và ứng dụng, Trường ĐH Sư Phậm Hà Nội 2.

2. Một số công nghệ mới trong nhân giống in vitro hoa cây cảnh – Ông Lê Văn Vĩnh (Giám đốc), ông Bùi Công Thắng công ty Florit Việt Nam.

3. Ứng dụng công cụ dữ liệu lớn trong phân tích dữ liệu di truyền: Một số kết quả bước đầu trong nghiên cứu tính kháng bệnh ở lúa gạo (Oryza sativa) – TS. Chu Đức Hà, Đại Học Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội.

4. Một số kết quả ứng dụng Công nghệ sinh học nano trong nông nghiệp tại Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam - PGS.TS. Đồng Huy Giới, Học Viện Nông Nghiệp VN.

5. Nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa kháng nảy mầm sớm trước gặt – ThS. Nguyễn Quốc Trung, Học Viện Nông Nghiệp VN.

6. Thiết kế vector chỉnh sửa gen mẫn cảm bệnh bạc lá của lúa – PGS.TS. Bùi Thị Thu Hương, Hà Hải Yến, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Nội dung của các báo cáo tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như:

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học nano là các kết quả của việc ứng dụng công nghệ sinh học nano trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học trong trồng trọt và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Trong lĩnh vực chọn tạo giống là các kết quả ứng dụng công nghệ CRISPR /Cas9 và phân tích dữ liệu lớn (Big data) trong chọn tạo giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất thuận, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực nhân giống cây trồng là các kết quả ứng dụng các công nghệ, kĩ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả nhân giống in vitro các giống hoa, cây cảnh và cây dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất.

Kết thúc buổi seminar, PGS. TS. Đồng Huy Giới đã phát biểu cảm ơn, mong muốn các diễn giả có thêm nhiều hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại khoa Công nghệ sinh học trong tương lai.

Một số hình ảnh của Hội thảo

Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ sinh học nano và Công nghệ gen-protein tái tổ hợp