Dân trí  Đông trùng hạ thảo là một dược liệu quý vẫn được ví von là “đắt như vàng”. Hãy cùng khám phá xem các nhà khoa học Việt Nam đã “thuần phục” loại nấm có vòng đời hết sức kỳ lạ này bằng công nghệ hiện đại như thế nào?

 Đông trùng hạ thảo thực chất là gì?

 “Đông trùng hạ thảo” không phải là tên của một loài nấm riêng biệt, mà là cách gọi chung để chỉ nhiều loài có cùng kiểu vòng đời trong một chi của ngành Nấm Túi có tên là Cordyceps: Vào mùa Đông các bào tử nấm đã thâm nhập vào cơ thể côn trùng, phát triển hệ sợi và “ăn thịt” côn trùng từ bên trong, tích tụ dinh dưỡng vào hệ sợi. Đến mùa xuân, gặp điều kiện sinh thái thuận lợi, quả thể nấm mọc lên từ cơ thể côn trùng và tiếp tục phát tán bào tử”. Trong đó, hai loài Cordyceps militaris và Cordyceps sinensis chính là những loại Đông trùng hạ thảo có đặc tính dược liệu quý, được tập trung nghiên cứu và sử dụng nhiều hơn cả.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn (trái) và Tiễn sĩ Nguyễn Thị Bích Thùy (phải), các chuyên gia nấm ăn, nấm dược liệu thuộc khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

Theo phân tích của tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn – Chuyên gia nấm ăn, nấm dược liệu, khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, loài Cordyceps sinensis vẫn chưa thể nuôi trồng nhân tạo ra quả thể, mà được thu thập 100% từ thiên nhiên, ở những vùng núi có độ cao từ 3500 đến 5000 mét của Tây Tạng, Thanh Hải (Trung Quốc), Nepal. Đây cũng chính là loại nấm Đông trùng hạ thảo có mức giá “sốc” hàng trăm triệu đồng cho đến cả tỷ đồng một cân mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến.

leftcenterrightdel
Loài Cordyceps sinensis trong tự nhiên 

Trong khi đó, loài Cordyceps militaris (đôi khi còn được gọi là Nhộng trùng thảo để phân biệt với Cordyceps sinensis), đã có thể được nuôi trồng nhân tạo cho quả thể, nhờ vậy nguồn cung cấp cho thị trường dồi dào hơn, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng khai thác tự nhiên, do đó giá thành của Cordyceps militaris cũng mềm hơn rất nhiều so với loài Cordyceps sinensis. phóng to ảnh

leftcenterrightdel
Cordyceps militaris được nuôi trồng 

 

Hiện nay, loại Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris chủ yếu được nuôi trồng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan và đặc biệt là cả Việt Nam.

Chủ động nguồn giống Đông trùng hạ thảo thuần việt – Mục tiêu hàng đầu của các nhà khoa học!

Theo tìm hiểu, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển Nấm, khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện đang là một trong những cơ sở đi đầu ở khu vực miền Bắc, trong nhiệm vụ thu thập, bảo tồn nguồn gen Đông trùng hạ thảo “thuần việt”, xây dựng các quy trình công nghệ nuôi trồng, cũng như tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về loại nấm quý này!

leftcenterrightdel
Nấm Đông trùng hạ thảo được lai tạo và nuôi trên môi trường thạch  

Chia sẻ với PV Dân Trí về công tác thu thập và bảo tồn nguồn gen Đông trùng hạ thảo, tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cho biết: “Các chủng giống Đông trùng hạ thảo hoàn toàn có thể mua từ nước ngoài. Tuy nhiên, loại giống nhập này chỉ có thể nuôi trồng 2-3 thế hệ sẽ bị thoái hóa và ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. Do đó, để đảm bảo chủ động được nguồn giống tốt, các nhà khoa học của Trung tâm đã liên tục tìm kiếm, thu thập các nguồn gen trong tự nhiên của Việt Nam và nhập nội. Tiến hành lai tạo, tuyển chọn, đánh giá để có được những giống nấm chất lượng cao và ổn định phục vụ sản xuất, đây cũng là mục tiêu mà Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển Nấm theo đuổi.”

Quy trình nhân giống Đông trùng hạ thảo

Qua trao đổi với tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn chúng tôi được biết, những giống Đông trùng hạ thảo được chọn tạo, đảm bảo về năng suất và tính ổn định trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo sẽ được tiến hành nhân sinh khối theo nhiều cấp. Quy trình nhân giống được tiến hành như sau:

Từ nguồn giống gốc được nuôi trên môi trường thạch, các chuyên gia sẽ tiến hành nhân lên thành giống cấp 1 (1 ống giống gốc có thể nhân ra 30-40 ống giống cấp 1). Sau khi sinh khối sợi giống nấm cấp 1 phát triển kín bề mặt thạch nghiên, giống cấp 1 sẽ được tiếp tục nhân chuyển ra giống cấp trung gian, đặc biệt bước nhân giống này được thực hiện trong môi trường dịch thể (lỏng), trong thời gian từ 5-7 ngày.

leftcenterrightdel
 Đông trùng hạ thảo được nhân sinh khối trong môi trường dịch thể 

Sau thời gian này, giống trung gian tiếp tục được nhân thành giống thương phẩm, trong các bình Bioreactor với dung tích 5 lít, 30 lít hoặc 50 lít. Thời gian gian nuôi lúc này sẽ kéo dài khoảng 1 tuần, tuy nhiên cũng có sự biến thiên tùy theo hệ số pha loãng giống.

leftcenterrightdel
Hệ thống bình Bioreactor dùng để nhân sinh khối Đông trùng hạ thảo 

 

Khám phá công nghệ nuôi trồng Đông trùng hạ thảo tiên tiến

“Sau khi sinh khối sợi giống nấm Đông trùng hạ thảo đã đủ lớn sẽ được tiến hành kiểm tra, đánh giá, nếu giống sạch bệnh và sinh trưởng tốt, giống sẽ được đem đi cấy vào môi trường nuôi trồng” – Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cho biết.

Cũng theo chia sẻ của vị chuyên gia này, các môi trường phổ biến dùng để nuôi cấy đông trùng hạ thảo là: con tằm trưởng thành, nhộng tằm và môi trường hữu cơ tổng hợp/tự nhiên.

Đối với loại giá thể hữu cơ tổng hợp/tự nhiên, hiện có rất nhiều công thức pha chế khác nhau. Những công thức này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nấm Đông trùng hạ thảo thành phẩm. Một số cơ sở nuôi trồng sử dụng Pepton, cao nấm men, cao thịt và một số thành phần phụ gia khác để pha chế. Tuy nhiên, đây là nguồn hữu cơ tổng hợp, nếu không sử dụng những loại tinh sạch tốt, đạt tiêu chuẩn sử dụng trong thực phẩm, thì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển nấm, nguyên liệu để pha chế loại giá thể này hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên như: dịch chiết từ nhộng tằm nuôi hữu cơ, giá đỗ, nước dừa, bột đậu tương, nhằm hướng đến việc hoàn thiện quy trình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo hữu cơ “100%”.

leftcenterrightdel
Giá thể hữu cơ tự nhiên dùng để nuôi Đông trùng hạ thảo tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển Nấm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Được biết, sau khi giống nấm được cấy vào giá thể nuôi trồng sẽ trải qua hai giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau, đòi hỏi những điều kiện môi trường sinh thái riêng biệt.

Trước hết là pha sợi, đây là thời kỳ hệ sợi nấm từ giống cấy tăng trưởng nhanh để chiếm lấy giá thể và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ môi trường giá thể. Kể từ giai đoạn này, nấm sẽ được nuôi trong phòng lạnh với nhiệt độ nằm trong khoảng 18-22 độ C, môi trường khô ráo và không có ánh sáng, để đảm bảo sợi nấm có thể tăng sinh khối một cách mạnh mẽ nhất. “Thời gian pha sợi (tính từ khi bắt đầu cấy giống đến khi sợi nấm ăn kín giá thể sẽ kéo dài khoảng 10-12 ngày (đối với giá thể hữu cơ) và 15-20 ngày (đối với giá thể nhộng tằm)” – Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cho hay.

leftcenterrightdel
Hệ thống nhà lạnh nuôi Đông trùng hạ thảo 

Sau khi sợi nấm đã ăn kín giá thể, ta tiến hành thay đổi điều kiện môi trường nuôi bằng cách phun sương tạo ẩm và bật đèn chiếu sáng, để kích thích Đông trùng hạ thảo ra quả thể. “Đặc biệt trong pha ra quả thể, hệ thống nhà lạnh tại Trung tâm được tích hợp các công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo duy trì liên tục một môi trường sinh thái tối ưu nhất.

leftcenterrightdel
 

Cụ thể, bên trong phòng lạnh được lắp đặt các cảm biến giúp cập nhật liên tục chỉ số nhiệt độ và độ ẩm ra bảng điều khiển ở bên ngoài. Ngoài chức năng giúp các cán bộ dễ dàng theo dõi điều kiện môi trường bên trong phòng lạnh, thông số độ ẩm còn được chính hệ thống máy móc sử dụng nhằm điều khiển tự động máy phun sương, sao cho độ ẩm bên trong nhà lạnh luôn duy trì ở thông số được lập trình sẵn” – Chuyên gia Nghiễn nhấn mạnh. Theo tìm hiểu, toàn bộ pha ra ra quả thể (từ lúc bắt đầu kích ra quả thể đến khi có thể thu hoạch) kéo dài 50-60 ngày (đối với giá thể nhộng tằm) hoặc 35-40 ngày đối với giá thể hữu cơ.

Minh Nhật - Dân Trí