Tạp chí khoa học chăn nuôi của Canada đã đăng bài nghiên cứu về ba giống gà bản địa của Việt Nam do Đỗ Quang Sơn là tác giả chính.

Ngày đầu tháng 7, tại phòng thí nghiệm của Bộ môn Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học ứng dụng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Đỗ Quang Sơn cặm cụi làm việc bên chiếc laptop. Tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Công nghệ sinh học chất lượng cao với điểm tổng kết 3.68/4.0, Sơn được nhận làm nghiên cứu viên của bộ môn. 

Sơn đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh với đề tài Mô tả đặc điểm di truyền của sáu giống gà nội Việt Nam sử dụng một phần trình tự DNA ty thể D-loop vào cuối tháng 12/2018. Hai tháng sau, Sơn trích một phần kết quả trong khóa luận của mình về ba giống gà, nghiên cứu thêm và viết sâu hơn thành bài báo với tựa đề dịch sang tiếng Việt là Đánh giá đặc điểm di truyền của ba giống gà bản địa của Việt Nam với trình tự D-loop ty thể.

Gửi Canadian Journal of Animal Science - một trong những tạp chí khoa học chăn nuôi trong danh mục tạp chí uy tín thế giới ISI, bài báo của Sơn được chấp nhận. Hiện, nó đã xuất bản online và sẽ xuất hiện trên ấn phẩm giấy vào quý III/2019. 

"Lần đầu tiên là tác giả chính của bài báo quốc tế, cảm xúc rất khác với những lần đăng bài trong hội thảo quốc tế", Sơn nói và cho biết còn là đồng tác giả của bài Đánh giá đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của gà sáu ngón Việt Nam được tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đăng. Ngoài ra, Sơn còn có ba đề tài nghiên cứu được giới thiệu tại các hội thảo quốc tế.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở Bắc Ninh, Sơn từng gặp khó khăn khi thuyết phục bố mẹ cho thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhớ lại thời điểm đăng ký nguyện vọng năm 2014, cả gia đình mong ngóng Sơn chọn trường Y như các bạn học chuyên Sinh khác. Thế nhưng, Sơn vẫn chỉ hướng tới mục tiêu đỗ ngành Công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp bởi cho rằng nó gần gũi, phù hợp với khả năng.

Bố mẹ nghĩ học nông nghiệp rồi cũng đi cày đi cấy, Sơn phải giải thích, lấy ví dụ về những người giỏi trong ngành này, thậm chí còn kể cả lý do vị trí trường ở xa trung tâm, thoáng mát và chi phí sinh hoạt thấp để được bố mẹ đồng ý.

Dù đã gật đầu cho con theo học, bố mẹ Sơn vẫn không bằng lòng. Đến giữa năm hai, mẹ còn khuyên "hay con nghỉ rồi thi Y cho mẹ". Khoảng cuối năm hai, khi Sơn nộp hồ sơ và nhận được học bổng 2.000 USD (khoảng 43 triệu đồng khi đó) của khoa liên kết với một công ty ở Mỹ, bố mẹ mới tin tưởng hoàn toàn vào sự lựa chọn của con trai.

Sang năm ba, Sơn xin lên phòng thí nghiệm (phòng lab) của thầy để học nghiên cứu khoa học. Được hỗ trợ một số bạn làm khóa luận về gà, lại thấy người Việt Nam thường chuộng những giống gà lạ như gà có chân to hay nhiều ngón, Sơn quyết định nghiên cứu sáu giống gà đặc trưng của miền Bắc để làm khóa luận tốt nghiệp, gồm: gà Đông Tảo, Hồ, Móng Tiên Phong, Tò, Sáu Ngón và Mía.

leftcenterrightdel
Bài báo khoa học đã được xuất bản online, Đỗ Quang Sơn là tác giả chính. Đồng tác giả là sinh viên Nguyễn Thị Phương Lan và hai giảng viên Nguyễn Hoàng Thịnh, Nguyễn Quốc Trung. 

9X Bắc Ninh sử dụng phương pháp dùng đoạn D-loop DNA ty thể của gà để tìm nguồn gốc các giống gà. Kết quả cho thấy chúng có mối quan hệ chặt chẽ và có trao đổi, lai tạo lẫn nhau. Tổ tiên của sáu loài đều là gà rừng đuôi đỏ. Trừ giống gà Mía có nguồn gốc từ Ấn Độ, số còn lại từ Vân Nam (Trung Quốc).

"Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào chọn lọc và bảo tồn nguồn gen của gà bản địa cũng như hiểu về giá trị và mối quan hệ của gà bản địa Việt Nam với các giống khác trên thế giới. Nghiên cứu cũng có thể mở rộng để tìm ra những chỉ thị phân tử nhằm phân biệt các giống gà có đặc điểm giống nhau", Sơn nói.

Để đạt được kết quả trên, Sơn mất hai năm nghiên cứu với nhiều khó khăn, đặc biệt là công đoạn lấy mẫu. Để thu thập mẫu 120-140 con gà, Sơn phải tới nhiều địa phương, thuyết phục chủ hộ nuôi cho chích máu gà, nhưng không nhận được sự hợp tác. Cuối cùng, chàng trai Bắc Ninh tự tìm hiểu cách tách chiết DNA từ lông máu cánh gà. 

"Ở trại của trường, các thầy có mẫu gà H’Mông, Đông Tảo và Sáu ngón. Mỗi con giá từ 2 đến 10 triệu đồng. Trong khi em cần số mẫu lên tới 130-140 con", Sơn giải thích lý do phải đến từng hộ nuôi để xin mẫu lông gà. Việc tách chiết DNA cũng có giai đoạn bị lỗi, buộc Sơn phải đi xin lại mẫu lông gà mới để làm lại từ đầu. 

leftcenterrightdel
Đỗ Quang Sơn trong một lần đi lấy mẫu lông gà. Ảnh: NVCC 

ThS Nguyễn Quốc Trung, giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, đồng tác giả bài báo, cho biết đề tài nghiên cứu tốt nghiệp của Sơn được thực hiện dựa trên việc tham khảo và đánh giá các nghiên cứu trên thế giới về giống gà Việt Nam. Sơn nắm rất chắc các nguyên lý tiến hóa, di truyền học và sinh học phân tử để lựa chọn giống gà nghiên cứu (chưa có công bố nào trên thế giới), vùng gen ty thể (phản ánh khách quan quá trình tiến hóa và quan hệ di truyền).

"Sơn đã chủ động đề xuất kế hoạch và thực hiện các thí nghiệm theo hướng dẫn của giảng viên. Em có khả năng tốt trong việc viết bài báo tiếng Anh theo tiêu chuẩn của tạp chí quốc tế, tự tin giao tiếp trong môi trường quốc tế", TS Trung nói về cậu sinh viên từng đạt 8.0 IELTS.

Sơn dự định làm một năm nghiên cứu viên tại trường và gửi hồ sơ xin học bổng du học ở một số nước thuộc châu Âu và Nhật Bản. Trong tương lai, chàng trai sinh năm 1996 sẽ mở rộng nghiên cứu về các giống gà bản địa ở Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng là chọn ra một bộ chỉ thị phân tử để phân biệt các giống gà, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về công nghệ hỗ trợ sinh sản trên động vật.

Có nhiều hệ thống xếp hạng các tạp chí, trong đó hai hệ thống được coi là phổ biến, uy tín và tin cậy nhất hiện nay là ISI và SCOPUS. Giới khoa học thường phấn đấu công bố nghiên cứu trên các tạp chí thuộc hai hệ thống này.

Chất lượng các tạp chí thuộc ISI và SCOPUS được đánh giá dựa trên hệ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) chia làm bốn nhóm từ Quarter (Q) 1 đến 4. Công trình được công bố ở tạp chí thuộc nhóm Q1, Q2 sẽ có chất lượng nhất và khó đăng nhất.

Canadian Journal of Animal Science, tạp chí đăng nghiên cứu do Đỗ Quang Sơn là tác giả chính, nằm trong danh mục ISI (tạp chí được liệt kê trong danh bạ của Viện Thông tin Khoa học Mỹ - Institute of Scientific Information), thuộc nhóm Q2