Nấm lớn (Marco Fungi) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, kinh tế xã hội và trong nghiên cứu khoa học. Nhiều loài được sử dụng làm thực phẩm giàu dinh dưỡng, một số được sử dụng làm dược phẩm để chữa trị một số bệnh nguy hiểm như tim mạch, béo phì, giải độc và bảo vệ tế bào gan, loãng xương…
Trên thế giới đã xác định được ít nhất 14.000 loài, trong số đó có khoảng 2000 loài nấm có thể ăn và dùng làm thuốc. Ngoài nguồn thu hái từ tự nhiên, người ta đã trồng được hơn 80 loại theo phương pháp nhân tạo (công nghiệp, bán công nghiệp) cho năng suất cao.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nguồn phế phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp (rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân ngô, lõi ngô…) phong phú (đạt mức trên 40 triệu tấn/năm), điều kiện khí hậu (nhiệt, ẩm độ…) thích hợp để phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu là một trong 09 sản phẩm được ưu tiên phát triển.
Trước những yêu cầu của thực tế, từ năm 2015, Học viện đã đầu tư xây dựng mô hình nghiên cứu và phát triển nấm ăn, nấm dược liệu với quy mô 6.600m2, trong đó có 01 (1000m2) phòng nghiên cứu, phân lập, chọn tạo, bảo quản, lưu giữ và nhân các giống nấm mới; 5000m2 mặt bằngnhà xưởng, khu tập kết và xử lý nguyên liệu phục vụ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu.
Sau 3 năm thực hiện, hiện tại nhóm xây dựng mô hình đã thu thập được trên 200 chủng giống nấm khác nhau và làm chủ công nghệ nhân thuần, quy trình kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đắc Lắc… Không chỉ là mô hình nghiên cứu phát triển, các hoạt động của mô hình còn thu hút được hàng trăm lượt các doanh nghiệp, các nhà quản lý địa phương, các hộ nông dân... đến thăm quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nấm tại mô hình.