Gà Liên Minh là giống gà bản địa Việt Nam được chăn nuôi tại thôn Liên Minh (thuộc xã Trân Châu – Cát Hải – Tp. Hải Phòng). Với địa thế biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao, nơi đây được coi như “phòng thí nghiệm thiên nhiên” có khí hậu và thổ nhưỡng rất riêng biệt.

Gà Liên Minh được chăn nuôi tại Thôn Liên Minh – Trân Châu – Cát Hải – Hải Phòng

Gà Liên Minh có ngoại hình đẹp và chất lượng thịt thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng với giá thành khá cao từ khoảng 200 – 270 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên trong điều kiện chăn nuôi với quy mô nhỏ cùng với phương thức chăn nuôi quảng canh tại thôn Liên Minh và các vùng lân cận chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường tại khu du lịch Cát Bà. Ngoài ra còn phải nói đến ở đây đó là năng suất trứng của gà Liên Minh tương đối thấp chỉ dao động trong khoảng 70 – 80 quả/mái/năm và khối lượng trứng trung bình đạt khoảng 47g. Bên cạnh đó, tính đến tuổi trưởng thành tỷ lệ gà mái chỉ chiếm 30 – 35% tổng đàn. Do vậy người dân gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát triển đàn, tăng con giống ở gà Liên Minh.

Gen mã hóa hormone Prolactin đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về mối liên quan giữa đa hình gen PRL với các tính trạng sản xuất trứng. Kết quả cho thấy rằng gen PRL có ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục, sản lượng trứng và khối lượng trứng trung bình trên gà. Đối với đa hình gen PRL24 rất dễ để áp dụng vào thực tế, do kích thước của các kiểu gen chênh lệch nhau 24bp nên có thể phát hiện khi điện di sản phẩm PCR là xác định được kiểu gen của từng cá thể.

Nghiên cứu đa hình chèn/xoá 24bp ở vị trí -358 vùng 5’ gen PRL có liên quan tới sản lượng trứng ở giai đoạn 17 – 42 tuần tuổi. Kết quả thí nghiệm trên gà Lơ – go trắng (Loại gà không có tập tính đòi ấp) cho thấy tần số alen I đạt 100% (Cui et al, 2006). Sintje và cộng sự (2016) đã nghiên cứu đa hình chèn/xóa 24bp và cho kết quả đa hình này có ảnh hưởng tới một số đặc điểm sinh sản ở gà.

Hình 1. Sản phẩm PCR các đa hình gen PRL24 trên gel Agarose 2%, M: Thang chuẩn DNA 100bp (Thermo). Kết quả: ID (154/130bp_mẫu 33,91); DD (130_mẫu 11, 12, 15, 20, 24, 30, 35, 36).
Hình 2. Giải trình tự gen tại vị trí đa hình gen PRL24

Xác định đa hình gen PRL24 ở gà Liên Minh cho thấy xuất hiện 2 kiểu gen ID và DD với tần số lần lượt là 0,28 và 0,72 (Không thấy xuất hiên kiểu gen II trong quần thể nghiên cứu). Sự phân bố kiểu gen PRL24 của gà Liên Minh tuân theo định luật Hardy – Weinberg (p>0,05) với tần số alen D cao hơn tần số của alen I và kiểu gen DD chiếm tỉ lệ cao nhất trong quần thể.

Bảng 1. Kết quả phân tích mối tương quan giữa đa hình nucleotide tại gen PRL24 với khả năng sản xuất trứng  gà Liên Minh.

Kiểu gen

PRL24

Kiểu tính trạng

Lô 1 (ID)

Lô 2 (DD)

Lô 3

(ngẫu nhiên)

Số lượng trứng (quả)

1009

928

962

Khối lượng trứng trung bình (g)

(Mean ± SD)

44,988±4,587

43,570±3,220

44,095±3,272

Chỉ số hình dạng trứng (D/d)

(Mean ± SD)

1,368±0,072

1,347±0,064

1,353±0,060

Tỷ lệ đẻ (%)

30

27,6

28,6

Mean: Giá trị trung bình; SD: Độ lệch tiêu chuẩn.

Số liệu trên cùng một dòng có sự sai khác với ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Nghiên cứu cho thấy đa hình gen PRL24 có mối liên quan đến khả năng sản xuất trứng ở gà Liên Minh, các kết quả như số lượng trứng, khối lượng trứng trung bình, chỉ số hình dạng trứng và tỷ lệ đẻ ở gà mái mang kiểu gen ID đều có lợi hơn kiểu gen DD về mặt di truyền.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu Tiếng Việt

1. Đinh Trường Sơn (2020), Bài giảng Kỹ thuật di truyền, Nguyên lý và ứng dụng. NXB Nông nghiệp, 119tr.

2. Nguyễn Hoàng Thịnh và Nguyễn Thị Châu Giang (2018), “Đa hình 24bp insertion-deletetion và C2402T của gen prolactin ở hai giống gà bản địa Việt Nam: Gà Ri và gà Mía”, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 16(4), tr.332 – 338.

3. Trần Thị Bình Nguyên, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Thị Diệu Thuý (2018). Đa25 hình gen prolactin liên quan tính trạng sản xuất trứng ở giống gà liên Minh. Tạp chí công nghệ sinh học, 16(2): 1 – 8.

4. Trần Thị Bình Nguyên, Nguyễn Hùng Cường, Vũ Thị Tiến, Tạ Thị Loan, Đỗ Võ Anh Khoa, Nguyễn Thị Diệu Thuý (2018). Đa hình gen Neuropeptide y (NPY) liên quan tính trạng năng suất trứng ở gà Liên Minh. Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc, Hà Nội 26/10/2018: 1828 – 1833.

5. Trần Thị Bình Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Trà, Phạm Thu Giang, Lê Công Toán, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Thị Diệu Thúy, Nguyễn Mạnh Linh, Hoàng Thị Yến, Vũ Công Quý, Vũ Đức Quý và Nguyễn Thanh Huyền (2020). Đa hình gen GH, IGFBP, PIT1 ở giống gà Liên Minh. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi, 225: 8 – 13.

 Tài liệu Tiếng Anh

1. Bagheri SAS, Niazi A, Zamiri MJ, Dadpasand TM (2013), “Polymorphisms of prolactin gene in a native chicken population and its association with egg production”, Iran J Vet Res, 14(2), pp.113 – 119.

2. Chau Thanh Vu and Nguyen Trong Ngu (2016), “Single nucleotide polymorphisms in candidate genes associated with egg production traits in native noi chicken of Vietnam”, Anim Environ Sci, 6, pp.162 – 169.

3. Xu H, Zeng H, Zhang D, Jia X, Luo C, Fang M, Nie Q, Zhang X (2011a), “Polymorphisms associated with egg number at 300 days of agge in chickens”, Genet Mol Res, 10, pp.2279 - 2289.

4. Xu H, Zeng H, Luo C, Zhang D, Wang Q, Sun L, Yang L, Zhou M, Nie Q, Zhang X (2011b), “Genetic effects of polymorphisms in candidate genes and the QTL region on chicken age at first egg”, BMC Genet, 12, pp.33 - 42.

 

Trần Thị Bình Nguyên – Bộ môn CNSH Động vật – Khoa CNSH

* Liên hệ: ttbnguyen@vnua.edu.vn