Bệnh đạo ôn là một trong số những bệnh gây hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Ở Việt Nam bệnh đạo ôn xuất hiện cả ở ba miền Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên mức độ bệnh ở miền Bắc và miền Trung thường trầm trọng hơn. Bệnh có thể xuất hiện trên lá, đốt thân, cổ bông hoặc những phần khác trên bông, đôi khi cả trên hạt và có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Trong đó phổ biến là đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Bệnh gây thiệt hại nặng nhất trong giai đoạn làm đòng đến trỗ.

Chọn tạo và triển khai các giống lúa kháng bền vững là vấn đề thời sự đã và đang được các nhà khoa học quan tâm.Tuy nhiên hiện nay việc chọn tạo các giống lúa kháng bệnh đạo ôn chủ yếu dựa vào việc phát hiện gen kháng và quy tụ các gen kháng vào các giống lúa triển vọng. Tuy nhiên, việc sử dụng giống kháng để quản lý bệnh đạo ôn ngày càng gặp nhiều khó khăn vì sự đa dạng và biến động các chủng nấm gây bệnh đã làm cho các giống kháng đạo ôn chỉ có hiệu lực trong vòng 2-3 năm. Để hiểu được cơ chế kháng của giống kháng bệnh đạo ôn, các nghiên cứu phân tích di truyền của quần thể nấm gây bệnh đạo ôn ở Nam Bộ đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên ở miền Bắc cho đến nay rất ít báo cáo chi tiết về phân loại cũng như thông tin về các gen không độc của các chủng nấm Pyricularia oryzae, các báo cáo chủ yếu mới xác định chủng nấm gây bệnh ở một vài địa phương cụ thể nào đó. Chính vì vậy, việc phân tích di truyền và xác định tính độc của một số chủng nấm gây bệnh đạo ôn tại các vùng trồng lúa chính ở Bắc và Nam Bộ sẽ cung cấp thông tin hữu ích về nguồn gen và tính độc của các chủng nấm phục vụ công tác chọn tạo giống kháng bền vững tại các tính miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Đề tài trọng điểm cấp Học viện “Nghiên cứu xác định các chủng nấm đạo ôn (Pyricularia oryzae) gây hại trên cây lúa ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam Việt Nam” đã được thực hiện nhằm: (1) Thu thập và phân lập các chủng nấm bệnh đạo ôn tại các vùng trồng lúa chính, các vùng có mức độ nhiễm bệnh nặng trên diện tích lớn của các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; (2) Đánh giá tính độc của các chủng nấm đạo ôn phân lập được; (3) Phân tích di truyền các chủng nấm đạo ôn phân lập được nhằm hướng tới việc chọn tạo giống lúa kháng bệnh đạo ôn bền vững.

Sau 2 năm nghiên cứu, đề tài đã thu thập 128 mẫu bệnh tại 63 cánh đồng tại các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng - Khu vực phía Bắc: Thái Bình, Hà Tây, Nam Định, Hải Phòng và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Mê Kong - Khu vực phía Nam: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp. 128 mẫu chủng nấm gây bệnh đạo ôn đại diện cho các tỉnh thu mẫu đã được phân lập, lưu giữ và lây nhiễm nhân tạo trên tổng số 20 giống lúa trong đó có 05 giống lúa bao gồm Tẻ Tép, Kano51, PiNo4, K60, Ishikari Shiroke mang các gen kháng tương ứng Pia; Pik, Pi-ta, Pi-z, Pi-i. Kết quả lây nhiễm nhân tạo đã thống kê được mức độ gây hại của các chủng nấm gây bệnh đạo ôn, trong đó chủng nấm bệnh đạo ôn thu thập tại Trà Vinh có mức độ gây hại rộng nhất với 10 mẫu giống lúa không có tính kháng/tổng số 14 mẫu giống lây nhiễm nhân tạo. Chủng nấm gây bệnh đạo ôn thu thập tại Hà Tây có mức độ gây hại hẹp nhất nhất với 3 mẫu giống lúa không có tính kháng/tổng số 10 mẫu giống lây nhiễm nhân tạo. Kết quả phân tích di truyền 15 mẫu chủng nấm gây bệnh đạo ôn bằng phương pháp lai Southern để xác định sự hiện diện của các gen không độc AVR-Pik, AVR-PiiAVR-Pita trong các mẫu chủng nấm gây bệnh đạo ôn cho thấy: Chủng nấm gây bệnh đạo ôn phân lập từ Hải Phòng thể hiện độc lực trên tất cả các giống lúa thí nghiệm  mang gen kháng đạo ôn; Chủng nấm gây bệnh đạo ôn phân lập từ Nam Định chứa các gen không độc AVR-Pik, AVR-Pita, AVR-Piz không thể hiện độc lực trên các giống lúa mang gen kháng tương ứng Pik, Pita, Piz; Các gen không độc AVR-Pik, AVR-PiiAVR-Pita được phát hiện trong các chủng nấm phân lập từ ba tỉnh An Giang, Đồng Nai và Đồng Tháp. Tất cả các chủng nấm gây bệnh đạo ôn được thu thập và phân lập từ Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang và Trà Vinh chỉ chứa gen không độc AVR-Pik.

Như vậy sự khác biệt về di truyền giữa các chủng nấm gây bệnh đạo ôn thu thập và phân lập ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long ít hơn so với các chủng nấm thu thập và phân lập ở Đồng bằng sông Hồng. Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp thông tin khoa học hữu ích cho các nhà chọn tạo giống nhằm hướng tới việc chọn tạo giống lúa kháng bệnh đạo ôn bền vững.

Nhóm tác giả kiến nghị thu thập, phân lập chủng nấm đạo ôn tại các vùng trồng lúa trên cả nước để so sánh mức độ gây bệnh và tìm được cơ cấu giống kháng cho mỗi vùng miền, từ đó nâng cao biện pháp phòng trừ và quản lý bệnh đạo ôn; đồng thời tiến hành nghiên cứu sâu hơn về bệnh đạo ôn ở mức dộ phân tử: xác định gen không độc ở các chủng nấm, mối quan hệ gen đối gen làm cơ sở cho việc chọn tạo giống mang gen kháng bệnh đạo ôn phục vụ cho công tác chọn tạo giống cây trồng một cách bền vững.

leftcenterrightdel
 Hội đồng nghiệm thu đề tài trọng điểm