Các loại tinh bột trong thực phẩm được phân loại trong quá trình tiêu hóa được chia thành ba loại: tinh bột tiêu hóa nhanh, tinh bột tiêu hóa chậm và tinh bột khó tiêu. Trong đó, tinh bột khó tiêu (TBKT - resistant starch) hay tinh bộ kháng tiêu/kháng tinh bột là lượng tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột không bị tiêu hóa trong ruột non của người khỏe mạnh và một phần nhỏ được lên men bởi vi sinh vật trong đường tiêu hóa (Topping & Clifton, 2001). Nhờ đặc điểm này mà các loại thực phẩm có hàm lượng TBKT cao được sử dụng làm thực phẩm chức năng bắt buộc trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 (Maki & cs., 2012; Trần Hữu Dũng và Nguyễn Hải Thủy, 2013).
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… sử dụng gạo là nguồn lương thực chính và nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên việc hàng ngày sử dụng tinh bột quá lượng cần thiết dẫn đến những nguy cơ về béo phì, đến tiểu đường, đại tràng… Chiến lược phát triển và sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hay nói cách khác là bị tiêu hóa chậm sẽ là giải pháp tốt nhất giúp các quốc gia đối phó với các căn bệnh nguy hiểm đang ngày càng tăng nêu trên.
TBKT được phân chia thành 5 loại: RS1, RS2, RS3, RS4 và RS5 (Birt & cs., 2013) dựa trên sự khác biệt về nguồn gốc, cấu trúc và khả năng bị thủy phân bởi các loại enzyme tiêu hóa khác nhau.
Hình 1. Cấu trúc tinh bột trong hạt gạo
Hàm lượng TBKT trong hạt gạo của các giống lúa thường từ 2,5-5,5%. (Selvakumar, 2014). Trong nghiên cứu mới đây, hàm lượng TBKT có thể chiếm đến 9,5% lượng chất khô (Selvakumar & cs., 2014) thậm chí lên đến 13% như ở giống Gongmi 3 (Zeng & cs., 2016).
Nghiên cứu di truyền các gen quy định hàm lượng TBKT ở lúa trên thế giới đến nay đã xác định được một số QTL như: qRSb7-1, qRSb7-2 ở nhiễm sắc thể số 7 (Zeng & cs., 2016) và gen b10 (SSIIIa) ở nhiễm sắc thể số 8 (Zhou & cs., 2016).
Trong nghiên cứu của Phan Thị Hiền, 2019 đã tiến hành lập bản đồ và xác định locus gen quy định hàm lượng TBKT bằng cách sử dụng quần thể F2 của giống lúa Chiêm Tây và P6ĐB. Sử dụng phương pháp Bulk Seggregation Analysis với 65 chỉ thị SSR đa hình để tiến hành phân tích tương quan giữa kiểu gen và hàm lượng TBKT của 2 nhóm cá thể F2 có hàm lượng thấp nhất (trung bình 1,8%) và nhóm cao nhất (trung bình 4,7%). Kết quả đã xác định được 6 chỉ thị SSR liên kết với sự phân ly hàm lượng TBK, đặc biệt là cả 6 chỉ thị (R3D4, R3H7, R3H8, R3D10, R5A4 và R7F10) đều nằm trên cùng 1 locus trên vai ngắn của NST số 6, điều đó chứng tỏ locus này liên kết và quy định hàm lượng TBKT ở cây lúa và locus này được đặt tên là qRS6, trong đó alen từ Chiêm Tây làm tăng và alen từ P6ĐB làm giảm hàm lượng TBKT.
Hình 2. Bản đồ vị trí qRS6 trên bộ NST của cây lúa
Hình 3. Kết quả kiểm tra qRS6 của 50 cá thể F2với chỉ thị R3H8
Ghi chú: P1: Giống Chiêm Tây P2: Giống P6ĐB F1: CTxP6ĐB
Khoa Công nghệ sinh học