Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc là hoạt động thường niên của Hội Công nghệ sinh học Việt Nam trực thuộc Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Hội nghị CNSH toàn quốc 2022 đã được tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Với mục đích gặp gỡ, trao đổi và trình bày những kết quả, thành tựu nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, và sinh viên từ các trường đại học, các công ty, các trung tâm, các viện nghiên cứu trong toàn quốc, nhóm nghiên cứu xuất sắc “Công nghệ sinh học ứng dụng” khoa Công nghệ sinh học kết hợp với Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đến tham dự Hội nghị.

Nhóm NCXS “Công nghệ sinh học ứng dụng” và Viện Sinh học Nông nghiệp tham dự Hội nghị CNSH toàn quốc 2022

Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã có 07 bài báo toàn văn được đăng trong kỷ yếu của Hội nghị, 09 báo cáo poster và 02 báo cáo tiêu biểu được lựa chọn để trình bày ở các tiểu ban Công nghệ sinh học nông nghiệp và Công nghệ sinh học tế bào. Các bài báo trong kỷ yếu đã đưa ra các kết quả nghiên cứu liên quan đến nhiều lĩnh vực như nhân giống invitro cây nghệ vàng, giống cúc móng rồng đỏ, cây hoa Pansy, phân lập tuyển chọn các chủng vi khuẩn nội sinh có khả năng cố định đạm, phân giải lân, tổng hợp IAA từ các loài lan ở Việt Nam, các chủng vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose, lignin phục vụ xử lý phụ phẩm nhãn, các chủng vi khuẩn có tiềm năng sinh protease.

Nhóm NCXS “Công nghệ sinh học ứng dụng”, Viện Sinh học Nông nghiệp và đại diện Viện Công nghệ sinh học (thứ 10 từ trái sang), thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam - đơn vị sẽ tổ chức Hội nghị CNSH toàn quốc năm 2023

PGS. TS. Nguyễn Xuân Cảnh đã có bài trình bày tại tiểu ban Công nghệ sinh học nông nghiệp về sàng lọc và nghiên cứu đặc điểm sinh học của chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng với một số nấm gây bệnh trên cây trồng. Theo kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân lập và tuyển chọn được chủng xạ khuẩn VNUA30 có khả năng đối kháng với năm loại nấm phổ biến gây bệnh trên nhiều loại cây trồng khác nhau như Colletotrichum gloeosporioidesFusarium oxysporum f. sp. cubenseCorynespora caiicolaSclerotium rolfsiiDiaporthe sp. Chủng xạ khuẩn VNUA30 cũng có khả năng sinh tổng hợp IAA, siderophore, phân giải lân khó tan và đã được định danh thuộc loài Streptomyces deccanensis.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh - trình bày báo cáo khoa học tại Tiểu ban Công nghệ sinh học nông nghiệp

Tại tiểu ban Công nghệ sinh học tế bào, TS. Đặng Thị Thanh Tâm đã trình bày nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng nấm của dịch chiết quả Bồ hòn trên hai loài nấm bệnh hại cây trồng là Curularia lunata và Corynespora casiicola. Hai báo cáo trình bày tại Hội nghị đã cho thấy tiềm năng ứng dụng của vi sinh vật và thực vật trong phát triển các chế phẩm bảo vệ thực vật trong tương lai.

TS. Đặng Thị Thanh Tâm - trưởng nhóm NCXS “Công nghệ sinh học ứng dụng” trình bày báo cáo khoa học tại Tiểu ban Công nghệ tế bào
TS. Nguyễn Thị Nhiên trình bày poster tại tiểu ban CNSH gen và protein
TS. Phạm Thị Dung trình bày poster tại tiểu ban CNSH Nông nghiệp

Trong thời gian tham dự Hội nghị, nhóm nghiên cứu cũng đã đến tham quan nông trường Cư Bao tại xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk, nơi trồng hơn 150 ha giống chuối Nam Mỹ đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Khi đến thăm trang trại nấm của Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng tại xã Hoà Khánh, Thành Phố Buôn Ma Thuột, Đắc Lắk, đoàn đã được giới thiệu về mô hình trồng nấm công nghệ cao dưới mái điện năng lượng mặt trời, góp phần tạo sản phẩm có chất lượng tốt cũng như cung cấp thêm nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại nấm được trồng ở trang trại bao gồm mộc nhĩ, nấm sò, bào ngư và linh chi với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra được tách biệt. Trong chuyến đi, đoàn cũng đã thăm quan nhà máy điện gió Ea Nam có công suất lớn nhất của cả nước do tập đoàn Trung Nam đầu tư.

Thăm quan công ty điện gió tập đoàn Trung Nam
Thăm quan mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu dưới mái điện mặt trời, công ty cổ phần thực phẩm xanh Thành Đồng
Thăm quan mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu tại Nông trường Cư Bao

Chuyến đi của nhóm nghiên cứu xuất sắc đã thành công tốt đẹp, không chỉ mở ra cơ hội để kết nối, hợp tác cùng phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới với các cá nhân, đơn vị trong cả nước mà còn tăng cường kết nối giữa các thành viên trong nhóm./.

Khoa Công nghệ sinh học