Ngày 27/10/2023, khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức buổi seminar khoa học với các chuyên đề do “Giải trình tự hệ gen vi sinh vật” - TS. Đinh Trường Sơn - Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày và “Nguồn dược phẩm tiềm năng của thực vật Việt Nam” PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại Học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày.

Tham dự buổi seminar là sự có mặt của đông đủ của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu & viên chức, nghiên cứu sinh, học viên cao học và các em sinh viên quan tâm.

Trong chuyên đề "Giải trình tự hệ gen vi sinh vật”, TS. Đinh Trường Sơn đã trình bày ngắn gọn trình tự các bước cũng như một số các kỹ thuật phân tích khi giải trình tự hệ gen vi sinh vật. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về giải trình tự hệ gen (de novo sequencing) hiện đang được thực hiện tại Khoa Công nghệ sinh học cũng được trao đổi cụ thể từ các bước chuẩn bị, phân tích, chi phí để thực hiện các dự án, công bố các kết quả giải trình tự trên NCBI, …

TS. Đinh Trường Sơn trao đổi về kỹ thuật giải trình tự hệ gen

Tiếp theo buổi seminar là chuyên đề “Nguồn dược phẩm tiềm năng của thực vật Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng trình bày. Việt Nam có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, có tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên cây thuốc. Các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng trên toàn thế giới. Việt Nam hiện có trên 4.000 loài thực vật có thể dùng làm thuốc. Việc nghiên cứu cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm và gắn liền với tên tuổi của nhiều danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, … Chính vì vậy, các nghiên cứu về thành phần, hàm lượng hoạt chất có trong thực vật, động vật sẽ góp phần định hướng cho các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo như sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, …

PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng trình bày tại buổi seminar

Với nhiều năm kinh nghiệm, PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng cùng các đồng nghiệp đã thực hiện các nghiên cứu phân tích thành phần, hàm lượng và tác dụng của nhiều hợp chất có trong nhiều đối tượng thực vật như: cây bùm bụp (Mallotus apelta), cúc hoa trắng (Chrysanthemum morifolium), bá bệnh (Eurycoma longifolia), đinh lăng (Polyscias fruticosa), mạch môn (Ophiopogon japonicus), Hoàng liên ô rô lá dày (Mahonia bealei), cây dung lụa (Symplocos sumuntia), sài đất (Wedelia chinensis), hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora)… Bên cạnh những nghiên cứu về thành phần hay xác định được hợp chất hoá học cụ thể, các nghiên cứu về cơ chế, tác động của một số cao chiết và hoạt chất cũng được tiến hành từ đó mở ra các cơ hội ứng dụng trong thực tiễn. Có thể nói chủ đề của báo cáo rất phù hợp với mối quan tâm của nhiều cán bộ viên chức cũng như người học trong khoa CNSH, đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ sinh dược. Nhiều câu hỏi, thảo luận về cơ sở khoa học, định hướng ứng dụng cũng như cơ hội hợp tác đã được PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng trao đổi rất thân tình và cởi mở tại buổi seminar.

PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng thảo luận về tiềm năng ứng dụng cây dược liệu

Kết thúc buổi seminar, thay mặt Ban Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học, PGS. TS. Nguyễn Xuân Cảnh đã phát biểu cảm ơn và mong muốn các diễn giả có thêm nhiều bài trình bày tại khoa trong tương lai.

Khoa Công nghệ sinh học