Ngày 15/9/2023, khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức buổi seminar khoa học đầu tiên trong chuỗi seminar khoa học thường kì của Khoa năm học 2023 – 2024.

Tham dự buổi seminar có PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh – Trưởng khoa Công nghệ sinh học, các thầy cô trong BCN Khoa, trưởng các bộ môn cùng toàn thể các thầy cô giáo, cán bộ nghiên cứu của khoa và các em sinh viên quan tâm.

Mở đầu buổi seminar, TS. Trịnh Hồng Kiên trình bày kết quả nghiên cứu với chủ đề “Sàng lọc aptamer và thiết kế aptamer sensor cho thuốc trừ sâu Fipronil”.

TS. Trịnh Hồng Kiênchia sẻ trongbuổi Seminar

Nội dung trình bày của TS. Trịnh Hồng Kiên về cách thức sàng lọc Aptamer, xác định đặc điểm và ứng dụng chọn Aptamer cho thuốc trừ sâu Fipronil (In Vitro Selection, Characterization of DNA Aptamers and Application For Pesticides Detection (Fipronil)). Việc phát triển các cảm biến hay các bộ kit để giúp chẩn đoán bệnh hay xác định sự có mặt của các chất độc hại trong thực phẩm ngày càng được trú trọng trong những năm gần đây. Cảm biến Aptamer là một loại cảm biến sinh học có độ nhạy và chọn lọc cao đối với chất đích. Cảm biến này dựa vào sự biến đổi hình dạng của các phân tử ssADN hay ARN đối với chất đích qua đó làm thay đổi tín hiệu quang học mà ta có thể xác định được. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ đã sử dụng quy trình SELEX (Systematic Evolution of Ligands by Exponential enrichment) để sàng lọc các Aptamer có độ đặc hiệu và ái lực cao với thuốc trừ sâu (Fipronil). Sau 16 vòng chọn, 96 clones đã được đọc trình tự, 4 Aptamers có số bản sao cao nhất được chọn và đặt tên là FipA1, FipA3, FipA6 và FipA8.

 

Các cảm biến được thiết kế sau đó cho thấy chúng có độ nhạy cao với Fipronil, đặc biệt là cảm biến FipA6. Cảm biến FipA6 này đã được tối ưu hóa, được đặt tên lại là FipA6B và so sánh với phương pháp phân tích sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) để xác định độ tin cậy của cảm biến trên các đối tượng thực vật. Kết quả cho thấy cảm biến có độ phân ly thấp, độ tin cậy cao, độ đặc hiệu cao, Kd = 15 ± 5,43 nM, LOD = 3,4 nM, LOQ = 11,35 nM. Ngoài ra nhóm còn ứng dụng các phần mềm tin sinh học để xác định vị trí gắn kết của của cảm biến FiP6B với Fipronil. Kết quả đã được đăng trên tạp chí uy tín Journal of Hazardous Materials với chỉ số IF = 13,6. https://doi.org/10.1016/j.jhazmat.2021.127939.

Tiếp theo buổi seminar là bài trình bày của PGS.TS. Bùi Thị Thu Hương với chủ đề Định danh và nhân nhanh in vitro cây lily Sapa” Đây là một phần kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đề tài trọng điểm cấp Học viện trọng điểm giai đoạn 2021-2023, với nhiều kết quả lý thú trong việc xác định chính xác sự có mặt của giống lily quý hiếm mọc hoang dại ở Sapa có nguy cơ bị tuyệt chủng này của Việt Nam, cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển giống.

PGS. TS Bùi Thị Thu Hương trình bày báo cáo

Tác giả cho rằng, loài cây lily còn được người dân gọi là cây Bách Hợp (L.poilanei) thuộc nhóm Sinormarton, là nhóm lily quan trọng có dự đoán tạo ra các nhóm lai Asiatic, phù hợp với điều kiện của châu Á với màu sắc đa dạng do chứa nhiều sắc tố antocyanin (Comber, 1949). Đây là cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống.

PGS. Hương cũng chia sẻ rằng, để đánh giá giống, công việc đầu tiên là đánh giá xác định loài bằng những phương pháp cổ điển với các đặc điểm hình thái, kết hợp các phương pháp hiện đại đang được chú ý phát huy để mang lại kết quả chính xác và hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức. Do đó, việc sử dụng phương pháp sinh học phân tử trong nghiên cứu di truyền được xem như công cụ hữu ích và được sử dụng rộng rãi vì thời gian từ lúc bắt đầu thí nghiệm tới khi cho ra kết quả ngắn, chính xác (Hebert, 2003). Các mồi barcod có thể được áp dụng hiệu quả để đánh giá loài nói chung và loài lily này nói riêng. Công cụ này xác định loài nhanh hơn các phương pháp truyền thống khác, đồng thời cung cấp các dữ liệu trong bảo tồn sinh học như khảo sát đa dạng sinh học, phát triển nguồn gen quý.

Ngoài ra, cần nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào đã được coi là một giải pháp hữu hiệu với cây lily. Mô lily có khả năng tái sinh cao, đặc biệt là vảy củ, chúng có tiềm năng lớn trong tái sinh củ nhỏ in vitro, một loại cây có sức sống cao khi ra ngoài vườn ươm (Nguyen Thi Ly Anh, 2005; Pelkonen. V. P., 2005; Pandey, Singh & Mamta, 2009). Do đó, việc nghiên cứu nuôi cấy mô là cần thiết, hợp lý cho nhân giống cây này. Tuy nhiên, mỗi giống cũng có những phản ứng khác nhau trong nuôi cấy in vitro, nên cần có bố trí thí nghiệm với các mẫu giống này. Với loài Bách Hợp này, những kết quả bước đầu của nhóm nghiên cứu đã cung cấp những kết quả cụ thể chi tiết nuôi cấy mô và nhân nhanh in vitro.

 

Tiếp theo chương trình, TS. Nguyễn Thanh Hảo trình bày báo cáo “Ứng dụng nano chitosan trong ức chế độc tính vi khuẩn”. 

 

TS. Nguyễn Thanh Hảo trình bày báo cáo

Trong nghiên cứu này, Tiến sĩ Hảo đã sử dụng chitosan là một loại vật liệu phân hủy sinh học để bao gói các hợp chất flavonoid từ cây dược liệu. Qua đó, làm tăng tính sinh khả dụng của các hợp chất được tải nạp vào phức hệ Nano. Phức hệ Nano viên nang được tổng hợp theo phương pháp sử dụng hai pha là pha nước và pha dầu (dùng để hòa tan các chất tan tốt trong Lipid), sử dụng kỹ thuật nhũ hóa và kỹ thuật sol-gel thuận nghịch. Kết quả thu được hệ Nano đồng nhất, kích thước từ 100 đến 200nm với khả năng kết hợp thuốc lên đến 95%. Các phức hệ Nano thể hiện rõ khả năng ức chế sự liên lạc của vi khuẩn gây bệnh, thường được biết đến với thuật ngữ "quorum sensing" lên đến 76% ở công thức tốt nhất. Bên cạnh đó, phức hệ Nano được tổng hợp hoàn toàn không có độc tính chống lại dòng tế bào Caco2 ở người. Hiệu lực ức chế hình thành màng sinh học ở công thức tốt nhất cũng lên đến 60%. Kết quả bước đầu sẽ góp phần để Dr. Hảo và nhóm nghiên cứu hoàn thiện và sản xuất sản phẩm ứng dụng trong phòng trừ bệnh vi khuẩn hại cây trồng. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Colloidal and Surface B, ISI Q1, IF = 5.6, link: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S092777652100727X

Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên trong thời gian tới.

Khoa Công nghệ sinh học