Seminar khoa học tuần 39 năm 2021 của nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen - protein tái tổ hợp”
Cập nhật lúc 11:07, Thứ hai, 04/10/2021 (GMT+7)
Ngày 29 tháng 9 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen-protein tái tổ hợp” – khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức thành công buổi seminar sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề sau:
Ngày 29 tháng 9 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh “Công nghệ sinh học nano và công nghệ gen-protein tái tổ hợp” – khoa Công nghệ sinh học đã tổ chức thành công buổi seminar sinh hoạt chuyên môn với các chuyên đề sau:
Chuyên đề 1: “Nghiên cứu đa dạng giun đất tại khu vực Hà Nội bằng chỉ thị phân tử và đánh giá khả năng sinh sản của giun đất” do ThS. Phan Thị Hiền trình bày.
Chuyên đề 2: “Nghiên cứu phương pháp phá vách tế bào nấm men thu beta-glucan sử dụng protease bền nhiệt và chịu kiềm” do ThS. Phùng Thị Duyên trình bày.
Tham dự buổi seminar là sự góp mặt của các thầy/cô trong nhóm nghiên cứu mạnh cùng giảng viên, cán bộ trong khoa.
|
|
Bài trình bày của ThS. Phan Thị Hiền |
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của ThS. Phan Thị Hiền về “Nghiên cứu đa dạng giun đất tại khu vực Hà Nội bằng chỉ thị phân tử và đánh giá khả năng sinh sản của giun đất”. Với 9 chỉ thị ISSR sử dụng trong nghiên cứu cho thấy hệ số tương đồng giữa các mẫu giun dao động từ 0,64 - 100%. Kết hợp giữa phân tích kiểu hình và kiểu gen cho thấy, tại mức độ tương đồng 0,68 các mẫu giun được chia thành 4 nhóm chính. Những mẫu giun này có hệ số di truyền lớn và ít biến động chứng tỏ sự đa dạng sinh học giữa chúng không cao. Ngoài ra, kết quả cho thấy các mẫu giun trong nghiên cứu đều thể hiện có khả năng sinh sản. Điều này là cơ sở để nhân giống và phát triển giun đất trong điều kiện nuôi nhân tạo phục vụ cho các mục đích khác nhau.
|
|
Bài trình bày của ThS. Phùng Thị Duyên |
Tiếp nối là bài trình bày của ThS. Phùng Thị Duyên về “Nghiên cứu phương pháp phá vách tế bào nấm men thu beta-glucan sử dụng protease bền nhiệt và chịu kiềm”. Từ các kết quả thu nhận được, nhóm tác giả đã rút ra kết luận như sau: Quá trình phá thành tế bào nấm men từ bã men bia sử dụng protease ngoại bào bền nhiệt và chịu kiềm của vi khuẩn Paenibacillus dendritiformis NBU6 (enzyme protease NBU6) ở 50oC, lắc 250 vòng/phút trong 6 giờ là thích hợp, giúp thu được chế phẩm cho hàm lượng β-glucan cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng dung dịch NaOH 4% ở 90oC, trong 60 phút là điều kiện thích hợp để tách protein ra khỏi thành tế bào nấm men. Kết thúc các thí nghiệm nghiên cứu, nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình tách chiết β-glucan từ bã nấm men thu được chế phẩm cho hàm hàm lượng β-glucan là 28,43 %.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar đã có những thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề. Buổi seminar đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên.