Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT), Nhật Bản với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Việt Nam về nghiên cứu, đào tạo và trao đổi sinh viên; chương trình trao đổi sinh viên Sakura 2022 đã được thực hiện thành công từ ngày 07/11/2022 đến 26/11/2022.

Các sinh viên khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm Trương Xuân Anh, Nguyễn Thị Thanh Mai, Hà Hải Yến đã đồng hành cùng các sinh viên, giảng viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham gia chương trình trao đổi khoa học này.

Trong chương trình, sinh viên đã được tham gia thực tập tại các phòng thí nghiệm và thực hiện nghiên cứu thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học tại Đại học Công nghệ Nagaoka. Tại đây, sinh viên có tiến hành thí nghiệm ở nhiều hướng nghiên cứu như: (i) "Micropropagation of Phalaenopsis Orchids via Protocorm-Like Bodies" (Nhân giống in vitro giống hoa Lan Phalaenopsis thông qua Protocorm-like body (PLB)); (ii) "Culturing fibroflast cell to test the biocompatibility of pectin hydrogel" (Nuôi cấy tế bào nguyên bào sợi để kiểm tra khả năng tương thích sinh học của pectin hydrogel) và (iii) “Genotyping and sequencing of target DNA sequence in tomato MET1 gene by CRISPR/Cas9 and target AID" (Phân tích kiểu gen và giải trình tự gen cà chua MET1 chỉnh sửa bằng CRISPR/Cas9 và target AID).

Dưới sự hướng dẫn của GS. KOBAYASHI Takaomi cùng các nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm Environment- Friendly Material Function and Engineering, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Mai đã có cơ hội thực hiện các thí nghiệm liên quan đến đề tài “Nuôi cấy nguyên bào sợi để kiểm tra khả năng tương thích sinh học của pectin hydrogel”. Nội dung chính của thí nghiệm bao gồm: Chuẩn bị màng pectin hydrogel; nuôi cấy tăng sinh tế bào nguyên bào sợi; xác định mật độ tế bào thông qua C-chip và kính hiển vi để tiến hành pha loãng.

Thí nghiệm nuôi cấy tăng sinh của tế bào nguyên bào sợi trên môi trường DMEM

Đối với đề tài “Nhân giống in vitro giống hoa Lan Phalaenopsis thông qua Protocorm-like body (PLB)”; dưới môi trường làm việc thân thiện, điều kiện cơ sở vật chất tốt và hiện đại, kết hợp cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn nghiên cứu sinh người Nhật nói chung tại phòng thí nghiệm “Laboratory of applied plant engineering” và sự chỉ dẫn tận tình của PGS. Takahara Yoshinori, sinh viên Trương Xuân Anh đã thành công nhân giống in vitro giống hoa Lan Phalaenopsis thông qua Protocorm-like body từ chồi ngủ và đỉnh sinh trưởng ở rể của cây Lan.

Sinh viên Hà Hải Yến thực tập tại phòng thí nghiệm Plant Epigenetics Laboratory

Đối với sinh viên Hà Hải Yến, em đã tham gia phòng thí nghiệm “Plant Epigenetics” của PGS Taisuke NISHIMURA và thực hiện nghiên cứu hai dự án (A) “Biểu hiện tạm thời gen GUS bằng cách tiêm vi khuẩn A. tumefaciens vào lá Arabidopsis” và (B) “Phân tích kiểu gen và giải trình tự gen cà chua MET1 chỉnh sửa bằng CRISPR/Cas9 và target AID”. Các thí nghiệm cho dự án A bao gồm: nuôi khuẩn Agrobacteria mang gen GUS và tiêm khuẩn vào lá Arabidopsis, sau đó nhuộm GUS và quan sát. Đối với dự án B, sinh viên được thực hiện các kỹ thuật tách chiết DNA, PCR, điện di, giải trình tự.

Sinh viên thực hiện tiêm khuẩn A. tumefaciens mang gen GUS vào lá Arabidopsis

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các giáo sư ở NUT và nghiên cứu sinh quốc tế, các bạn sinh viên đã hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu của mình và có buổi trình bày offline kết hợp trực tuyến trên nền tảng zoom để chia sẻ những kết quả đạt được ấn tượng trong chương trình.

Sinh viên khoa Công nghệ Sinh học nhận chứng nhận sau khi hoàn thành chương trình
Sinh viên khoa Công nghệ Sinh học tặng quà cảm ơn chương trình
Chuyến tham quan công viên lá đỏ tại Nhật Bản

Ngoài thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, các sinh viên có những cơ hội quý giá để trải nghiệm văn hoá, tham quan nhiều địa điểm, danh lam nổi tiếng tại thành phố Nagaoka, Niigata, Nhật Bản.

Bạn Trương Xuân Anh, sinh viên lớp K64CNSHE, VNUA chia sẻ về khoảng thời gian được làm việc và học tập tại phòng thí nghiệm: “Ngôn ngữ và môi trường làm việc mới mang đậm phong cách Nhật Bản đã tôi luyện cho các du học sinh Việt Nam ở Nagaoka nói chung và bản thân em nói riêng tính tự lập và phản xạ tiến bộ hơn trong công việc và ngôn ngữ”.

Theo chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thị Thanh Mai- Lớp K64CNSHE: "Chương trình Sakura Science là một cơ hội quý báu cho các sinh viên quốc tế. Thông qua chương trình này này, em và các bạn không chỉ được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới mẻ mà còn rèn luyện các kỹ năng mềm, nâng cao khả năng giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh. Chúng em cũng ấn tượng sâu sắc về lòng hiếu khách của người Nhật và đặc biệt là sự hỗ trợ và giới thiệu nhiệt tình về các chương trình học bổng từ các giáo sư NUT và sinh viên du học người Việt tại đây. Đồng thời bọn em cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với các thầy cô tại VNUA, những người đã tích cực hợp tác với các trường đại học quốc tế, tạo nên những cơ hội học tập quốc tế quan trọng cho chúng em."