Bệnh héo rũ Panama là một bệnh phổ biến trên cây chuối, được gây ra bởi một loại nấm bệnh tên là Fusarium oxysporum f.sp. cubense (Foc). Bệnh do nấm Fusarium gây ra trên cây chuối có thể được mô tả như một bệnh héo mạch “cổ điển”. Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào mô mạch (xylem) qua rễ gây ra sự biến đổi màu và héo rũ. Khi bệnh tiến triển, nhiều lá trở nên vàng và cây sẽ bị chết. Khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng thì không thể kiểm soát hiệu quả bằng các biện pháp thông thường hiện nay.  Foc là loài nấm đặc biệt khó kiểm soát vì nhiều lý do như: (a) tồn tại lâu dài trong đất (có thể lên đến 20 năm ngay cả khi không có cây ký chủ; là loại bệnh tấn công vào hệ thống mạch dẫn của cây nên rất khó để tiêu diệt; (c) nó có thể phát tán thông qua sinh sản sinh dưỡng của cây chuối, đất nhiễm nấm, nước tưới…; (d) vùng trồng chuối thường là vùng chuyên canh nên rất dễ để nấm lan truyền qua các vụ. Bệnh héo rũ Panama là mối lo ngại lớn đối với ngành công nghiệp chuối. Đặc biệt sự xuất hiện và lan truyền của chủng TR4 gây ảnh hưởng đến người sản xuất, thu nhập và việc làm của nhiều nước nhiệt đới. Hiện nay, nhằm kiểm soát bệnh do nấm Foc gây ra trên chuối nhiều biện pháp khác nhau đã được nghiên cứu và áp dụng như sử dụng thuốc hóa học, chọn tạo giống kháng và sử dụng vi sinh vật để ức chế sự phát triển của nấm bệnh. Sử dụng thuốc hóa học thường không đạt được kết quả mong muốn và lâu dài trên điều đồng ruộng cũng như gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, đối với Foc chủng 4 thì cho đến nay chưa có một giống chuối thương mại nào có khả năng kháng hiệu quả. Chính vì vậy trên thế giới đã có rất nhiều các dự án nghiên cứu cũng như các diễn đàn quốc tế đã diễn ra với mục đích cứu cây chuối khỏi sự tàn phá của chủng nấm này. Hướng nghiên cứu sử dụng sinh vật đối kháng để quản lý dịch bệnh được đánh giá là hướng đi bền vững, phù hợp với nhiều vùng sinh thái và có nhiều sự lựa chọn.

Có cùng sự quan tâm với nhiều nhà nghiên cứu trong nước và thế giới, nhóm nghiên cứu xuất sắc, khoa Công nghệ Sinh học đã triển khai các nghiên cứu nhằm tìm kiếm các vi sinh vật đối kháng có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nấm Foc. Hiện nay nhóm nghiên cứu đang chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước – Bộ Khoa học công nghệ  2021-2023: “Khai thác nguồn gen xạ khuẩn (Streptomyces sp. VNUA24,  VNUA74 và VNUA116) để sản xuất chế phẩm sinh học kiểm soát bệnh Panama hại chuối”. Nghiên cứu của nhóm tập trung khai thác, phát triển nguồn gen xạ khuẩn và sản xuất chế phẩm sinh học áp dụng trên quy mô lớn. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm luôn có sự trao đổi kết quả nghiên cứu với các phòng thí nghiệm khác trong khu vực thông qua các hội thảo chuyên ngành. Tháng 7 năm 2021, nhóm nghiên cứu tham gia hội thảo quốc tế (webinar) Quản lý bền vững bệnh hại chuối ở Châu Á (22.07.2021). Tại hội nghị kết quả nghiên cứu của nhóm được thảo luận và được đánh giá là hướng áp dụng tiềm năng trên quy mô đồng ruộng để kiểm soát nấm Foc. Nhóm nghiên cứu cũng tin tưởng đây là hướng nghiên cứu tốt, có thể giảm thiểu tác hại của Foc gây nên, góp phần sản xuất chuối bền vững ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Một số số hình ảnh tại hội nghị “Quản lý bền vững bệnh hại chuối ở Châu Á (22.07.2021)

  Nhóm nghiên cứu xuất sắc Công nghệ sinh học ứng dụng – Khoa Công nghệ Sinh học