Được thành lập từ năm 2014, đến nay, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu - Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống nấm sò PN1 và giống nấm linh chi GA2.

Với trách nhiệm của những người làm khoa học say mê cây nấm, họ tự đặt mục tiêu nghiên cứu các giống nấm gốc để cung cấp cho doanh nghiệp, thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trời không phụ lòng người

Tôi gặp TS Ngô Xuân Nghiễn - Phụ trách Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu - Khoa Công nghệ Sinh học khi anh vừa trở về từ huyện Krông Ana – tỉnh Đăk Lăk. Niềm vui khi chứng kiến bà con trồng nấm đạt được vụ thu hoạch như ý vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt nhà khoa học. Cả cuộc đời gắn bó với cây nấm, những nhà khoa học như anh có niềm vui nào hơn là được giúp ích cho bà con.

Huyện Krông Ana trồng nấm từ năm 2008, nhưng do tập quán canh tác còn lạc hậu, chất lượng nguồn giống không đảm bảo nên năng suất không cao. Nhiều bà con định bỏ nghề. Sau khi khảo sát, TS Ngô Xuân Nghiễn cùng TS Nguyễn Thị Bích Thùy quyết định đưa giống nấm linh chi GA2 trồng thí điểm tại HTX nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Huyện Krông Ana từ tháng 3/2018.“Để thuyết phục bà con, tôi và TS Thùy xác định, sẽ giúp bà con khôi phục lại nghề trồng nấm linh chi. Đó là danh dự của cá nhân, và cả Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nếu không làm được, chúng tôi sẽ bỏ tiền túi ra để đền bù” - TS Nghiễn quả quyết.

Vậy là, suốt 10 ngày TS. Nghiễn nằm vùng để làm nấm cùng bà con. Có những đêm, họ thức tới 2 giờ sáng ở trang trại nấm. Sau 3 tháng hướng dẫn và chỉ đạo từng giai đoạn của quy trình kỹ thuật, Trời không phụ lòng người, 100.000 bịch nấm với quy mô 100 tấn nguyên liệu của Hợp tác xã trồng nấm tại huyện Krong Ana – Đak Lak đã thành công như mong đợi. Một tấn nguyên liệu trước kia chỉ thu được từ 15-20kg nấm khô thì nay đã cho thu từ 25-30kg. Tỷ lệ hư hỏng trước kia là 30%, nay đã giảm xuống còn 10-15%. Cánh nấm dày, cân đối, có tỷ lệ màu nâu đồng nhất. Trong 10 năm trồng nấm chưa vụ nào người dân trồng nấm ở huyện Krong Ana thu được lứa nấm đạt chất lượng như vậy.

Đặc biệt hơn, các giống linh chi thông thường không chịu được nhiệt độ lạnh dưới 22oC và nóng trên 28oC nên bà con trồng chủ yếu từ tháng 4 đến hết tháng 7 dương lịch. Với giống GA2 mới, có thể phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 20 - 32oC, nên bà con có thể trồng quanh năm.

Nấm linh chi GA2 là một trong những giống nấm cung cấp bởi chương trình NN08 đã được Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu chọn tạo thành công và đưa vào khảo nghiệm cho kết quả tốt. Thực tế, đây chỉ là một trong những kết quả mà Trung tâm đạt được trong gần 4 năm qua kể từ khi được thành lập.

leftcenterrightdel
TS Ngô Xuân Nghiễn trong phòng thí nghiệm nấm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Vũ 

Kể lại thời kỳ đầu tiên, khi quyết định chuyển công tác từ Viện Di truyền Nông nghiệp về Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Ngô Xuân Nghiễn nhớ lại: “Khoảng những năm 1990, Việt Nam chỉ có một vài giống nấm là nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm và mộc nhĩ. Do người dân trồng nấm theo kinh nghiệm, kỹ thuật không đảm bảo nên thường bị hỏng, thối, nông dân bỏ nghề vì thất bát.

Cho đến năm 1995-1996, cố GS.TS Nguyễn Hữu Đống đã đưa tôi, TS Thùy cùng anh Đinh Xuân Linh và chị Nguyễn Thị Sơn (Công ty nấm Hà Nội) về Viện Di truyền Nông nghiệp, cùng với đồng nghiệp, chúng tôi đã bắt tay vào việc phục hồi nghề nấm và thử các dự án đầu tiên. Khoảng năm 2010-2011, chúng tôi nhận thấy rằng, cây nấm cần được xây dựng để trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia với 5 loại nấm có thế mạnh ở Việt Nam là nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, nấm linh chi và mộc nhĩ. Thời điểm đó, tôi cùng với nhóm các nhà khoa học chấp bút viết nên đề án phát triển sản phẩm quốc gia cho cây nấm”.

Nhiệm vụ “không được giao”

Nói về thành quả trong gần 4 năm qua, TS Ngô Xuân Nghiễn cho biết, trong lĩnh vực nghiên cứu, Trung tâm đào tạo nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu đã tuyển chọn, chọn tạo một bộ giống nấm đảm bảo về năng suất, chất lượng phù hợp với tiểu vùng sinh thái ở Việt Nam. Trung tâm thu thập, bảo tồn, lưu giữ nguồn gene của trên 200 chủng nấm khác nhau. Trong đó, có thể kể tới một số loại nấm quý như nấm vân chi, nấm đầu khỉ, nấm hoàng chi, nấm đông trùng hạ thảo...

Thực tế, Việt Nam chưa có được nguồn giống gốc ổn định, nên các doanh nghiệp thường phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà khoa học của Trung tâm nấm thấy rằng, đây là một trong những hướng họ phải theo đuổi. Khi có nguồn gene, các nhà khoa học tiến hành lai tạo, tuyển chọn, đánh giá ở quy mô phòng thí nghiệm rồi khảo nghiệm tại các địa phương với những tiểu vùng sinh thái khác nhau. Trong 4 năm qua, Trung tâm đã chọn tạo thành công 2 chủng nấm là nấm sò PN1 và nấm linh chi GA2. Hằng năm, căn phòng thí nghiệm với diện tích khoảng 50m2 đã trở thành nơi cung cấp giống gốc nấm sò PN1 cho 6-10 tỉnh miền núi phía Bắc.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh việc chọn tạo giống nấm. Đây là xương sống với ngành nấm Việt Nam. Các giống gốc hiện nay thường bị thoái hóa sau 3-5 thế hệ. Doanh nghiệp muốn phát triển ngành nấm phải dựa vào nhà khoa học. Nếu doanh nghiệp nước ngoài từ chối bán, không lẽ chúng ta đóng cửa cả nhà máy. Nếu nhà khoa học không làm, doanh nghiệp biết dựa vào ai?”.

Ngoài 5 loại nấm trong nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, trong giai đoạn tới, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu sẽ hướng tới đầu tư nghiên cứu nhóm nấm dược liệu. Đây là thế mạnh của Việt Nam và đã được Chính phủ định hướng phát triển. Tuy nhiên, do chưa có chiến lược thu thập và nghiên cứu công nghệ bảo tồn, lưu giữ nguồn gene quý, giống nấm này có nguy cơ bị mất đi. Là nhà khoa học, TS Ngô Xuân Nghiễn và các cộng sự nhận trách nhiệm bảo tồn giống nấm này bằng cách xây dựng công nghệ nhân giống, nuôi trồng và đưa giống gốc quay lại địa bàn sinh thái để phát triển.

Những công việc này được nhóm nghiên cứu mạnh của TS Nghiễn thực hiện hằng ngày để làm sao chọn tạo được giống gốc cho 5 giống nấm chủ lực. “Chính phủ không giao cho chúng tôi nhiệm vụ này, nhưng ở góc độ cá nhân, chúng tôi tự nhận để làm” – TS Nghiễn nói.

Đã chuyển giao là phải thành công

Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều mô hình chuyển giao thành công. Ngoài HTX nấm linh chi ở huyện Krông Ana – tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị khác có thể kể tới như startup FarGreen, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, trang trại nấm Mộc Miên (Ba Vì)…

Khi kể về các đơn vị nhận chuyển giao, TS Ngô Xuân Nghiễn nhớ kỹ từng câu chuyện một. Thực tế, TS Nghiễn và các công sự rất “kỹ tính” trong việc lựa chọn đơn vị chuyển giao dù có nhiều đơn vị tới đặt vấn đề. Các nhà khoa học tâm niệm rằng, chuyển giao thu tiền thì đơn giản, điều quan trọng là cam kết thành công. Ngành nấm có đặc điểm, mùa đầu tiên làm chơi ăn thật do môi trường mới, chưa có bệnh, cây nấm dễ phát triển. Sau 1-2 vụ, môi trường bắt đầu sinh bệnh, lúc này mới cần có bàn tay của nhà khoa học.

TS Nghiễn nói: “Cái quan trọng là đi với đơn vị chuyển giao đường dài, cam kết thành công. Trước khi chuyển giao, chúng tôi đánh giá đơn vị trên 3 yếu tố: trình độ tiếp nhận công nghệ, khả năng quản trị doanh nghiệp và đầu ra thị trường. Nếu không có đủ, chúng tôi từ chối”.

Thông thường, các đơn vị nhận chuyển giao thường thiếu kỹ thuật nuôi trông, khả năng tổ chức sản xuất và quy hoạch vùng sản xuất. Nấm vốn là loài có đặc thù dễ lây nhiễm bệnh, quy hoạch không tốt dễ lây lan, dẫn đến ô nhiễm cả khu vực, giảm năng suất.

Để đưa công nghệ vào từng cơ sở, những nhà khoa học phải hiểu thấu đáo về công nghệ đang được áp dụng cũng như tập quán canh tác của bà con. Sau đó, nhà khoa học bằng uy tín của mình phải hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể từng đường đi nước bước. Vì thế, TS Nghiễn và các cộng sự phải hướng dẫn để bà con canh tác theo quy trình chuẩn.

“Chuyển giao công nghệ trồng nấm mà thời gian chỉ từ 6 tháng đến 1 năm là không ổn. Sau khoảng thời gian đó mới cần có bàn tay của nhà khoa học. Với tâm thế đó, chúng tôi làm đâu chắc đấy, đơn vị nào cũng có thể yên tâm sản xuất” - TS Nghiễn nói thêm.

Trong quá trình triển khai các chương trình nghiên cứu, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu luôn xác định nghiên cứu sản phẩm thị trường cần. Là đơn vị trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngoài các yêu cầu về bài báo khoa học, yếu tố quan trọng khác mà Trung tâm phải đạt được là các sản phẩm có thể chuyển giao cho doanh nghiệp. Có nghĩa là các chương trình nghiên cứu phải gắn với yêu cầu của thực tế sản xuất. Ví dụ, chọn tạo và sản xuất giống nấm gốc thay thế giống thoái hóa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hay tạo ra công nghệ mới để nuôi trồng nấm cho năng suất, chất lượng tốt hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng sản lượng nấm sản xuất ở VN ước đạt trên 300.000 tấn các loại với giá trị khoảng trên 400 triệu USD; lượng giống nhập khẩu chủ yếu tiểu ngạch nên không thể thống kê được. Tuy nhiên tính trung bình lượng giống thương phẩm (cấp 3) chiếm từ 5 – 7% giá trị (20 – 28 triệu USD).

Với giống nấm gốc của Trung tâm cung cấp cho các đơn vị và doanh nghiệp khoảng 300 ống/năm có giá trị khoảng 90 triệu đồng (quá nhỏ) nhưng đã giúp cho DN có được giống nấm chất lượng cao để sản xuất giống cấp 1, cấp 2, cấp 3 để nuôi trồng trên 27.000 tấn nguyên liệu và có doanh thu trên 10 triệu USD.

 

   Thụy Minh - http://khoahocphattrien.vn/