Ewen Callaway “COVID vaccine boosters: the most important questions”
Nature 596, 178-180 (2021) doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-02158-6
Ngày đăng: 05/08/2021
Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này
Đối diện với tình trạng số ca nhiễm tăng vọt do biến thể Delta của SARS-CoV-2 gây ra, cùng với việc khả năng miễn dịch mà vaccine COVID-19 mang lại có thể biến mất theo thời gian, một số quốc gia đang cân nhắc liệu có nên tiêm bổ sung cho những người đã tiêm phòng đầy đủ hay không. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng ở thời điểm hiện tại, liều vaccine COVID-19 tăng cường đang chưa phải vấn đề cấp thiết – Việc này có thể làm mất cơ hội được tiêm của những người khác.
Liều tiêm tăng cường liệu có tác dụng?
Theo các nhà nghiên cứu những liều bổ sung sẽ mang đến một số lợi ích nhất định. Nó kích thích sự sản sinh các tế bào B tạo kháng thể, tái gia tăng mức độ kháng thể chống lại mầm bệnh, số lượng tế bào này sẽ giảm theo thời gian nhưng lượng tế bào ghi nhớ sẽ tăng, dẫn tới các phản ứng miễn dịch một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn ở những lần tiếp xúc với mầm bệnh tiếp đó. Liều bổ sung cũng thúc đẩy một quá trình tên là “thuần thục ái lực - affinity maturation”, trong đó các tế bào B được kích thích bởi vaccine sẽ di chuyển tới hạch bạch huyết nơi chúng có những thay đổi trong vật chất di truyền để sản xuất ra các kháng thể nhận dạng kháng nguyên mạnh mẽ hơn, qua đó tăng khả năng miễn dịch của chúng với virus.
Số lượng tế bào B ghi nhớ và mức kháng thể sẽ dần ổn định khi liều tăng cường được bổ sung (hoặc cơ thể bị tái nhiễm), nhưng dường như mức độ không thể đạt đến mức độ miễn dịch như ở lần tiếp xúc với kháng nguyên trước đó.
Một số cuộc thử nghiệm về liều bổ sung đã khẳng định cho nhận định về hiệu quả tăng khả năng miễn dịch. Liều vaccine thứ ba được phát triển bởi Moderna, Pfizer – BioNTech, Oxford – AstraZeneca và Sinovac kích thích sự gia tăng lượng kháng thể trung hòa phòng trừ xâm nhiễm khi được tiêm vài tháng sau liều thứ hai. Các nghiên cứu về phương pháp tiêm trộn vaccine trước đó cũng cho thấy liều tăng cường có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, đặc hiệu hơn bởi mức độ cao của cả kháng thể và tế bào T giúp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và hỗ trợ các phản ứng kháng virus khác[1] [2] [3].
Những thử nghiệm này cũng cho thấy các tác dụng phụ thông thường liên quan đến vaccine, như nhức đầu và sốt, tương tự với những lần tiêm chủng trước đó.
Khả năng miễn dịch từ vaccine liệu có thực sự suy giảm?
Các dấu hiệu ban đầu cho thấy mức độ kháng thể được kích thích bởi hầu hết các loại vaccine COVID-19 đều có xu hướng giảm xuống dần[4]. Câu hỏi đặt ra là liệu sự suy giảm này có làm suy giảm khả năng miễn dịch trước virus hay không. Các nhóm nghiên cứu trên thế giới đều đang tìm kiếm câu trả lời liệu có cần thiết và khi nào cần sử dụng liều tăng cường?
Tháng 7/2021,kết quả ước tính được từ Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, phản ánh rằng khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm và mắc bệnh của vaccine đã giảm từ 90% ở những tháng đầu năm xuống còn 40% vào cuối tháng 6/2021. Nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng của biến thể Delta.
Phân tích hồ sơ của hơn 1,3 triệu người tiêm chủng từ tháng 1 tới tháng 4/2021 ở nước này cũng cho thấy, những người được tiêm chủng vào tháng 1 và 2 có nguy cơ mắc SARS-CoV-2 cao hơn 53% so với những người được tiêm chủng vào tháng 3 và tháng 4, chênh lệch lớn nhất là giữa những người được tiêm sớm và muộn nhất[5].
Tuy vậy, sự khác biệt trên còn có thể do độ tuổi ở 2 nhóm trên khác nhau. Những người trẻ được tiêm chủng sớm thường là các nhân viên y tế, có nguy cơ mắc cao hơn những người trẻ được tiêm muộn. Người được tiêm chủng sớm cũng thường có điều kiện kinh tế tốt hơn, họ thường có tần số xét nghiệm cao hơn do lo ngại virus hoặc muốn di chuyển ra nước ngoài. Điều này có thể gây ra sự phiến diện của nghiên cứu.
Ngày 28/07, các nhà nghiên cứu luôn ủng hộ việc tiêm liều thứ 3 tại Pfizer–BioNTech công bố dữ liệu chỉ ra mức độ hữu hiệu của vaccine giảm từ 96% xuống 84% sau 6 tháng[6]. Trước đó, một công bố vào tháng 4/2021 từ Moderna đã nhận định sự hữu hiệu vaccine của họ đạt trên 90%, sau nửa năm so với thời điểm ban đầu là 94%.
Những thử nghiệm này đều sử dụng thử nghiệm mù đôi dùng giả dược nhằm giảm thiểu các biến số gây nhiễu trong thực tế. Nhưng khi Pfizer và các nhà sản xuất vaccine khác đã tiết lộ các kết quả nghiên cứu sớm làm những người tham gia biết mình được tiêm vaccine thật, hành vi sau đó của họ có thể đã thay đổi do cảm thấy an toàn hơn và kém cẩn trọng trong phòng dịch. Ảnh hưởng này có thể giải thích cho sự sụt hiệu quả giảm rõ ràng của vaccine Pfizer – BioNTech chứ không phải từ bản thân vaccine, tuy nhiên đại điện từ Pfizer không có phát biểu gì về giả thuyết này.
Tác dụng của liều tăng cường với những người có hệ miễn dịch yếu
Một điều chắc chắn là có một số nhóm người sẽ được hưởng lợi từ liều tăng cường. Ví dụ, một phần không nhỏ những người được ghép tạng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch không thể tạo ra lượng kháng thể cao sau hai liều vaccine COVID-19[7]. Có bằng chứng chỉ ra rằng liều thứ ba có thể nâng cao các chỉ số đó, tuy nhiên phần lớn vẫn ở mức thấp hơn so với các nhóm được tiêm chủng khác. Thật không may, chúng ta không thể xác định mức độ nào là phù hợp cho những người có hệ miễn dịch kém như người được ghép tạng hoặc người cao tuổi.
Điều gì có thể thay đổi dữ liệu về liều tăng cường?
Các quốc gia sử dụng nhiều vaccine virus bất hoạt đạt được hiệu quả phòng ngừa dường như thấp hơn so với dùng vaccine vector virus và mRNA. Các quốc gia này là những quốc gia đầu tiên triển khai mũi tiêm bổ sung; có thể kể đến như Trung Quốc và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Mặc dù hiện tại vẫn chưa có bằng chứng ủng hộ việc tiêm bổ sung, các nhà khoa học hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ thận trọng và bắt đầu cung cấp liều bổ sung cho các nhóm có nguy cơ trong thời gian tới.
Nguồn dịch: https://www.nature.com/articles/d41586-021-00019-w
Người dịch: Trần Khánh Linh
Biên tập: NVK, NQT