Không còn là loại thực phẩm ăn tạm ngày giáp hạt, khoai tây Việt Nam ngày nay trồng không kịp bán cho doanh nghiệp FDI. Công nghệ và tầm nhìn dài hạn chính là chìa khóa cho cuộc chuyển mình này.
Được ví như "củ lương thực quốc dân" vào cuối thập niên 1970, khoai tây từng giữ vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn thực phẩm cho người dân, đặc biệt vào thời điểm nông nghiệp còn nhiều hạn chế về năng suất và cơ giới hóa.
Thế nhưng, cũng giống như nhiều loại cây trồng một thời được ưu ái, khoai tây dần nhường chỗ cho những loại cây khác có hiệu quả mùa vụ cao hơn. Chỉ trồng được một vụ mỗi năm, giống lại nhanh thoái hóa, yêu cầu kỹ thuật cao, đầu ra không ổn định - khoai tây lặng lẽ rút lui khỏi vai trò chủ lực, trở thành loại cây trồng phụ ở một số vùng nhỏ lẻ.
Nhưng sự chuyển mình của khoai tây Việt đã bắt đầu từ một bước ngoặt ít ai ngờ tới: Khi khoai tây không còn chỉ để ăn tươi, mà trở thành nguyên liệu chế biến công nghiệp, phục vụ chuỗi sản xuất snack, khoai chiên theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Người nông dân tăng thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa, mở ra hướng phát triển bền vững tại nhiều vùng chuyên canh trên cả nước.
Đứng sau thành công này là một tam giác vững chắc: Nhà nông - Nhà khoa học - Doanh nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện của phóng viên Dân trí với PGS.TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, hành trình 15 năm chuyển mình của khoai tây Việt được hiện lên rõ nét: Từ phòng thí nghiệm đến cánh đồng, từ mô hình vài hecta đến hơn 1.000ha vùng trồng trên cả nước
Không chỉ góp phần nâng tầm củ khoai tây, Viện còn đang "gieo trồng" một tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại - bài bản, theo chuỗi, dựa trên dữ liệu và thị trường.

Thưa ông, trong rất nhiều loại cây trồng có giá trị tại Việt Nam, vì sao Viện Sinh học Nông nghiệp lại lựa chọn khoai tây là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài, thay vì các cây trồng phổ biến như lúa, ngô hay rau màu?
- Chúng ta cần quay lại câu chuyện của khoai tây trong quá khứ. Khoai tây được người Pháp đưa vào Việt Nam.
Khoảng năm 1979-1980, khi nền kinh tế của chúng ta ở giai đoạn khó khăn, khoai tây đã từng được trồng trên diện tích hơn 100.000ha - một con số rất lớn trong điều kiện khi đó.
Chỉ cần mỗi hecta đạt 10 tấn thôi là cả nước đã có được trên một triệu tấn lương thực, đủ để thêm vào bữa ăn cho hàng triệu người. Lúc đó, năng suất lúa còn thấp, gạo còn phải nhập khẩu. Và chính khoai tây đã giúp nhiều vùng vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
Thế nhưng, cũng chính loại cây từng giải nguy lại dần bị bỏ quên trong cơ cấu sản xuất hiện đại. Xem chi tiết tại: