Ô nhiễm đất là hiện tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các tác nhân gây ô nhiễm. Đất ô nhiễm có chứa một số độc tố, chất có hại cho cây trồng vượt quá nồng độ đã được quy định. Các tác nhân gây ô nhiễm đất là các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát sinh trong quá trình chăn nuôi, các loại chất thải rắn, phóng xa, kim loại nặng từ nguồn thải khu công nghiệp, các loại hoá chất độc hại phát sinh do sự phân huỷ các loại hoá chất sử dụng trong nông nghiệp,… (Nguyễn Hữu Thành, 2008). Ô nhiễm đất không những làm giảm khả năng sản xuất của đất mà còn ảnh hưởng đến thực vật, động vật và sức khoẻ con người (Bifeng & cs., 2017)

Thành phố Cà Mau nằm ở phía đông bắc của tỉnh Cà Mau có diện tích 24.963 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20.866 ha chiếm 83,7%, diện tích đất phi nông nghiệp là 4.062 ha chiếm 16,3%, diện tích đất chưa sử dụng là 15 ha chiếm 0,1% tổng diện tích tự nhiên của thành phố. Thành phố Cà Mau chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn từ đó xảy ra rất nhiều mâu thuẫn trong sử dụng đất ở các vùng tranh chấp mặn – ngọt, giữa nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất lúa gạo. Thành phố Cà Mau nằm trong vùng trọng điểm nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản nên diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản của thành phố rất lớn với 14.097 ha chiếm tới 56,5% tổng diện tích tự nhiên. Trong thời gian qua việc chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến ở vùng trồng lúa tôm đã góp phần quan trọng làm gia tăng sản lượng tôm, lúa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất liên tục không cho đất nghỉ và gia tăng hàm lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh, thức ăn,… trong sản xuất làm cho đất đai ngày càng suy giảm chất lượng và có nguy cơ ô nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, thành phố Cà Mau là thành phố công nghiệp lớn thứ hai của đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh về tốc độ và quy mô nhưng việc đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa theo kịp yêu cầu phát triển dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cà Mau, sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp làm gia tăng lượng chất thải tại các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, 2020). Vì vậy nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm tài nguyên đất tại thành phố Cà Mau làm cơ sở cho việc đề xuất định hướng quản lý sử dụng đất bền vững trong thời gian tới.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm đất tại thành phố Cà Mau. Nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu đất và mẫu nước theo TCVN, các chỉ tiêu và phương pháp phân tích mẫu đất, mẫu nước là các phương pháp thông dụng theo TCVN. Nghiên cứu tiến hành phân tích 21 mẫu đất và 11 mẫu nước từ 5 khu vực nguồn gây ô nhiễm đất. Kết quả cho thấy trong 21 mẫu đất, hàm lượng kim loại nặng Cu, Pb, Zn, Cd, As đều nằm trong giới hạn không ô nhiễm; không phát hiện dư lượng hoá chất tồn dư trong khu vực canh tác nông nghiệp. Trong 11 mẫu nước hàm lượng kim loại nặng đều ở mức giới hạn không ô nhiễm hoặc không phát hiện có kim loại nặng. Tuy nhiên trong mẫu nước tại đất nuôi trồng thuỷ sản có 02 mẫu nước có hàm lượng NH4+ở mức ô nhiễm, 02 mẫu nước có hàm lượng COD và 01 mẫu nước có hàm lượng BOD5 ở mức cận ô nhiễm, các mẫu còn lại có PO43-, COD, BOD5, NH4+ ở mức không ô nhiễm. Diện tích đất ô nhiễm NH4là 9,5 ha đều thuộc đất nuôi trồng thuỷ sản của xã Định Bình. Các diện tích còn lại trên địa bàn thành phố Cà Mau ở mức không ô nhiễm.

leftcenterrightdel
Hình 1. Kết quả phân tích mẫu khu vực đất trồng lúa thành phố Cà Mau 
leftcenterrightdel
Hình 2. Bản đồ ô nhiễm đất TP Cà Mau 

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Thị Huyền Trang

Khoa Tài nguyên & Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trung tâm Phân tích và chuyển giao công nghệ Môi trường

Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn Phương Bắc