Trong bối cảnh phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu đã trở thành yêu cầu cấp thiết, vai trò đào tạo nguồn nhân lực môi trường ngày càng quan trọng. Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang không ngừng đổi mới để kiến tạo “tri thức xanh”, hun đúc thế hệ kỹ sư, cử nhân môi trường năng động, sáng tạo, đủ sức đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Khoa Tài nguyên và Môi trường về định hướng, sứ mệnh và những bước chuyển mình trong giai đoạn mới.
Phóng viên: Thưa PGS. TS Trần Trọng Phương, xin ông cho biết đôi nét khái quát về quá trình hình thành, phát triển của Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Khoa Tài nguyên và Môi trường được thành lập với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ của Khoa là đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư và cử nhân phục vụ lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong đó tập trung chính các ngành: Quản lý đất đai, Quản lý bất động sản, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học môi trường, Khoa học đất. Khoa đã thực hiện hằng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ, tỉnh; nhiều đề tài, dự án hợp tác quốc tế và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Với giá trị cốt lõi: Chất lượng - Hiệu quả - Sáng tạo, Khoa Tài Nguyên và Môi trường phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trung tâm xuất sắc về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới; Phát triển sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nông nghiệp trong nước, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khoa đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm. Chúng tôi tự hào khi nhiều thế hệ sinh viên của Khoa đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan quản lý Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các giảng viên ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về môi trường.
    |
 |
Tân tiến sĩ ngành Khoa học Môi trường và ngành Quản lý Đất đai của Khoa vui mừng nhận bằng tại Lễ Trao bằng tiến sĩ do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức |
Phóng viên: Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trở thành xu thế tất yếu, Khoa đã định hướng ra sao để bắt kịp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ điều này, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã xác định đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu và hợp tác là ba trụ cột quan trọng để thực hiện chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.
Trước hết, về chương trình đào tạo, chúng tôi thường xuyên rà soát, cập nhật các học phần để bắt kịp với tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đối số, đồng thời lồng ghép các nội dung mới về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị carbon, nông nghiệp thông minh, phát triển năng lượng tái tạo,… vào giáo trinh, bài giảng. Các chuyên ngành được thiết kế theo hướng liên ngành, giúp sinh viên có góc nhìn đa chiều và kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp về môi trường.
Về nghiên cứu khoa học, Khoa tập trung ưu tiên các đề tài có tính ứng dụng cao, tạo sản phẩm để có thể thương mại hoá, bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, của xã hội, của địa phương và doanh nghiệp. Chúng tôi đang triển khai nhiều đề tài, dự án như quản lý rác thải nông thôn theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải chăn nuôi để sử dụng cho cây trồng, nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học đa năng, nghiên cứu phòng, chống và thích ứng với rủi ro thiên tai, phục hồi hệ sinh thái vùng ven đô... Đây là những hướng nghiên cứu không chỉ có giá trị khoa học mà còn đóng góp trực tiếp cho cộng đồng.
Một điểm nhấn quan trọng là hợp tác, bởi chuyển đổi xanh không thể thực hiện đơn lẻ. Khoa tăng cường kết nối doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước để trao đổi tri thức, tiếp nhận công nghệ mới và tạo môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên. Gần đây, Khoa đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, cũng như các trường đại học quốc tế từ CHLB Đức, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan... phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên.
Chúng tôi tin rằng, khi sinh viên được tiếp xúc với công nghệ mới, tham gia nghiên cứu và được thực tập, thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp, các em mới thực sự hiểu bản chất của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và sẵn sàng trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Phóng viên: Năm 2025, Khoa Tài nguyên và Môi trường có những điểm mới nào trong công tác tuyển sinh và đào tạo, nhất là trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu rất rõ ràng: phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của đất nước. Để cụ thể hóa tinh thần đó, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cho năm 2025 với nhiều điểm mới, thiết thực và bám sát yêu cầu thực tiễn. Khoa đã xây dựng kế hoạch chiến lược trong đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số 3S (GNSS, GIS, RS) trong quản lý đất đai, quy hoạch, cơ sở dữ liệu đất đai và quản trị tài nguyên đất đai, môi trường…
Về tuyển sinh, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện, Khoa đã chủ trì tổ chức các Hội thảo hành trình đổi mới sáng tạo từ trường Trung học phổ thông tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Chuỗi hội thảo này được các em cũng như phụ huynh học sinh hưởng ứng tham gia rất tốt. Đặc biệt được Lãnh đạo Sở GD&ĐT của 3 tỉnh đánh giá rất cao. Qua hội thảo rất nhiều em học sinh của 3 tỉnh đã đăng ký các đề tài, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ THPT ra Học viện và đạt giải. Chúng tôi cũng mong muốn và kỳ vọng đây cũng là điều đặc biệt để chúng tôi ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo về KHCN của các em, nhất là những vấn đề rất thiết thực, có ý nghĩa, lan tỏa trong cuộc sống về lĩnh vực đất đai, chuyển đổi số và chất lượng môi trường xung quanh chúng ta.
Bên cạnh đó, Khoa chú trọng vào khả năng thích ứng của các sinh viên trong quá trình học tập. Thời gian vừa qua, Khoa đã đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp song hành vào quá trình đào tạo như: rèn nghề, thực hành, thực tập để nâng cao kiến thức thực tế cho các bạn sinh viên, để khi các bạn ra trường là thích ứng với công việc chuyên môn tốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, Khoa đã ký kết hợp tác biên bản ghi nhớ (MOU) với một số trường Đại học danh tiếng trên thế giới như Khoa Địa lý, Đại học LMU Munich, Viện Địa lý, Đại học Hildesheim (CHLB Đức), Khoa Nông nghiệp, Đại học Yagamata (Nhật Bản) để phối hợp trao đổi sinh viên giữa 2 bên
Chúng tôi sẽ mở rộng chỉ tiêu so với các năm trước, tập trung vào các chuyên ngành có tính liên ngành và tính ứng dụng cao như: Quy hoạch vùng và đô thị, Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, sinh thái nông nghiệp thông minh... Đồng thời, Khoa sẽ đa dạng hóa các phương thức xét tuyển, như xét tuyển theo kết quả học tập, điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp với phỏng vấn năng lực, hoặc ưu tiên các thí sinh có thành tích nghiên cứu khoa học từ bậc phổ thông.
Mục tiêu của chúng tôi là tuyển chọn những sinh viên có tố chất sáng tạo, đam mê nghiên cứu và sẵn sàng thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của các ngành học chuyên sâu của Khoa như: khoa học môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường trong giai đoạn phát triển xanh.
Về đào tạo, Khoa đã và đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng gắn học với hành, học với nghiên cứu, học với khởi nghiệp. Các chương trình đào tạo sẽ được cập nhật các nội dung mới về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị carbon, nông nghiệp sinh thái, công nghệ xử lý ô nhiễm tiên tiến… Ngoài ra, chúng tôi chú trọng bổ sung các học phần phát triển kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ, công nghệ số - những yếu tố rất cần thiết để sinh viên sẵn sàng hội nhập.
Điểm mới quan trọng là Khoa tập trung xây dựng mô hình sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm nhất, thông qua việc thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, các nhóm nghiên cứu nhỏ gắn với các đề tài của giảng viên hoặc dự án hợp tác doanh nghiệp. Chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên viết bài công bố khoa học, tham gia các hội thảo, các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo. Đây là cách thiết thực để thực hiện Nghị quyết 57, tạo ra thế hệ sinh viên không chỉ giỏi lý thuyết mà còn có năng lực tự nghiên cứu, phát triển công nghệ, đóng góp tri thức mới cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp tiếp tục là trụ cột quan trọng. Năm 2025, Khoa sẽ ký thêm các thỏa thuận hợp tác với các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ môi trường, xử lý chất thải bên cạnh những mảng truyền thống quản lý đất đai, quản lý bất động sản của Khoa. Sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, tham gia dự án thực tế, làm quen với công nghệ hiện đại và văn hóa doanh nghiệp.
Khoa cũng đã ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ với các trường đại học nôi tiếng trên thế giới (như khoa Nông nghiệp của Đại học Yagamata, Nhật Bản; Khoa Địa lý của Đại học LMU Munich, Đức; Viện Địa lý của Đại học Hildesheim, Đức, Khoa Nông nghiệp của Đại học Chiang Mai, Đại học Kasesart, Thái Lan) để tăng cường các chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, cấp học bổng, xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu để khích lệ sinh viên mạnh dạn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học liên tục, chuyên sâu.
Tất cả những đổi mới này nhằm hướng tới mục tiêu chung: đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân ngành Khoa học môi trường bản lĩnh, hội đủ tri thức, kỹ năng và tinh thần đổi mới sáng tạo - đúng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW để phục vụ cho phát triển xanh, bền vững của đất nước.
Phóng viên: Vậy Khoa Tài nguyên và Môi trường đang làm gì để khuyến khích sinh viên mạnh dạn nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thưa ông?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Thực tế cho thấy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực môi trường không thể tách rời nghiên cứu khoa học và tinh thần đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là định hướng xuyên suốt mà Khoa đã và đang kiên trì triển khai, bám sát tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Để khơi dậy và phát huy tinh thần nghiên cứu trong sinh viên, ngay từ năm nhất, các em đã được tham gia vào các nhóm nghiên cứu nhỏ, câu lạc bộ khoa học, các dự án cộng đồng do giảng viên hướng dẫn. Hàng năm, Khoa đều tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn để các em trình bày ý tưởng, trao đổi kết quả, chia sẻ phương pháp, từ đó hình thành kỹ năng nghiên cứu cơ bản, rèn luyện tư duy phản biện và làm việc nhóm.
Bên cạnh đó, Khoa chú trọng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nội bộ. Chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để mở các lớp kỹ năng, hội thảo về khởi nghiệp sáng tạo, kết nối vốn đầu tư và vườn ươm ý tưởng. Sinh viên được khuyến khích phát triển đề tài nghiên cứu thành các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh có khả năng ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ xử lý chất thải, tái chế, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, để khích lệ tinh thần nghiên cứu dài hạn, Khoa đã xây dựng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học sinh viên, trao các suất học bổng, khen thưởng cho các nhóm có công trình đạt giải thưởng cấp Học viện, cấp Bộ, hoặc công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Việc này không chỉ tạo động lực về vật chất mà còn tiếp thêm niềm tin cho các em trên hành trình biến đam mê nghiên cứu thành giá trị thực tế.
Đặc biệt, chúng tôi coi giảng viên là người bạn đồng hành, là người “truyền lửa”. Các thầy cô không chỉ đứng lớp mà còn trực tiếp hướng dẫn sinh viên tham gia các dự án, kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ các em từ lúc hình thành ý tưởng đến khi triển khai và công bố kết quả.
Chúng tôi tin rằng, với hệ sinh thái khuyến khích nghiên cứu và đổi mới sáng tạo được duy trì liên tục, sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường sẽ hình thành bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực tự học, tự nghiên cứu và sẵn sàng trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sáng lập doanh nghiệp trong tương lai - góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh và bền vững của đất nước.
    |
 |
Khoa Tài nguyên và Môi trường và Viện Địa lý, Đại học Hildesheim (CHLB Đức) trao đổi, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, đào tạo và phát triển bền chặt trong lĩnh vực khoa học địa lý và môi trường |
Phóng viên: Liên kết hợp tác doanh nghiệp và quốc tế dường như đang trở thành trụ cột phát triển của Khoa Tài nguyên và Môi trường. Xin ông chia sẻ thêm về hướng đi này?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Đúng vậy, trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay, liên kết hợp tác với doanh nghiệp và mở rộng quan hệ quốc tế không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành một trong ba trụ cột phát triển quan trọng nhất của Khoa Tài nguyên và Môi trường - bên cạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Với hợp tác doanh nghiệp, chúng tôi xác định doanh nghiệp không chỉ là “người tuyển dụng” mà còn là “người đồng hành” trong đào tạo và nghiên cứu. Khoa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn một số công ty, doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch đất đai, môi trường, công nghệ xử lý môi trường, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, đo đạc bản đồ… Điển hình như hợp tác với Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 5 - Chi nhánh công ty TNHH một thành viên Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần môi trường Tập đoàn FEC, Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn Phương Bắc…
Từ các thỏa thuận này, mỗi năm hàng trăm sinh viên của Khoa được tham quan, thực tập, thực tế tại các cơ sở sản xuất, trung tâm về công nghệ xử lý môi trường, các hệ thống máy móc thiết bị hiện đại … Các em có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, tham gia trực tiếp vào các quy trình kỹ thuật, hiểu được yêu cầu nghề nghiệp và làm quen với văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, một số sinh viên năm cuối đã tham gia nhóm dự án R&D của doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng ngay mà không phải mất thêm thời gian đào tạo lại.
Với hợp tác quốc tế, Khoa luôn coi đây là chìa khóa để nâng cao năng lực giảng viên, sinh viên và mở rộng cơ hội trao đổi tri thức. Hiện tại, chúng tôi duy trì mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín Đại học Yagamata, Nhật Bản, Đại học LMU Munich, Đức, Đại học Hildesheim, Đức, Đại học Chiang Mai, Đại học Kasesart, Thái Lan.
Chỉ riêng trong năm 2024 - 2025, Khoa đã cử gần 20 lượt giảng viên, sinh viên đi học tập ngắn hạn, trao đổi nghiên cứu tại Nhật Bản, CHLB Đức, Thái Lan. Song song, Khoa cũng đón các chuyên gia quốc tế của các nước Thuỵ Điển, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thái Lan, Philipines đến tổ chức seminar, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các chủ đề nóng như biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị, rủi ro thiên tai, quản lý sử dụng đất bền vững, phát thải carbon thấp.
Ngoài ra, nhiều dự án nghiên cứu của Khoa được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, tiêu biểu như dự án “Liên kết quản trị rủi ro thiên tai và quy hoạch sử dụng đất: trường hợp các khu định cư không chính thức ở các khu vực dễ xảy ra nguy hiểm tại Philippines, Thái Lan và Việt Nam (LIRLAP)" - Linking disaster risk governance and land-use planning: the case of informal settlements in hazard-prone areas in the Philippines, Thailand, and Vietnam (LIRLAP) giai đoạn 2021-2025” do CHLB Đức tài trợ, hay dự án “Phát triển hồ sơ địa chính ô nhiễm đất tại Việt Nam - CapaViet3” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên Bang Đức (BMU) tài trợ. Các dự án này không chỉ mang lại kiến thức mới mà còn mở rộng mạng lưới chuyên gia, cơ hội thực hành nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên.
Trong thời gian tới, Khoa Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác, ưu tiên các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xử lý chất thải, năng lượng tái tạo… để đảm bảo sinh viên được học tập, thực hành và nghiên cứu trong môi trường hiện đại, cập nhật nhất.
Tôi tin rằng, chính mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - đối tác quốc tế sẽ tạo ra hệ sinh thái đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng toàn diện, bền vững, góp phần khẳng định vị thế của Khoa Tài nguyên và Môi trường nói riêng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung trong giai đoạn hội nhập và phát triển xanh.
    |
 |
Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường. |
Phóng viên: Cuối cùng, ông có điều gì muốn gửi gắm tới sinh viên, các giảng viên trẻ và cộng đồng xã hội quan tâm lĩnh vực môi trường, thưa ông?
PGS.TS. Trần Trọng Phương:
Lĩnh vực môi trường là làm nghề gắn với tương lai của hành tinh, là góp phần bảo vệ sự sống cho các thế hệ mai sau. Tôi mong các bạn sinh viên hãy nuôi dưỡng đam mê, kiên trì nghiên cứu và không ngừng làm mới mình để trở thành những kỹ sư, nhà quản lý, nhà khoa học môi trường, nhà quản lý tài nguyên và môi trường có trách nhiệm, bản lĩnh.Với các giảng viên trẻ, tôi hy vọng các thầy cô luôn giữ ngọn lửa đổi mới, gắn nghiên cứu với giảng dạy, đồng hành cùng sinh viên trên hành trình kiến tạo tri thức xanh.
Về phía Khoa Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cam kết không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng các chuyên ngành mới gắn với nhu cầu của xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế để khẳng định vị thế là địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực môi trường chất lượng cao cho đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ những thông tin ý nghĩa và truyền cảm hứng!
Những chia sẻ của PGS.TS Trần Trọng Phương đã cho thấy quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Khoa Tài nguyên và Môi trường. Tin rằng, với sự chung tay của nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng, những thế hệ kỹ sư môi trường mang khát vọng xanh sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng cho một Việt Nam phát triển bền vững. |
Hồng Minh (thực hiện) - https://nnmt.net.vn/