Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 6/5, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian vừa qua đã rất tích cực phối hợp giúp Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để tháo gỡ được những "điểm nghẽn" trong thực tế về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Nhiều khái niệm mới được đưa vào dự thảo luật
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan, điểm nổi bật của Luật lần này là nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo (ĐMST) bên cạnh khoa học, công nghệ (KHCN) với phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới.
Đáng chú ý, dự thảo luật lần này bổ sung các quy định về liêm chính khoa học, thiết lập "cơ chế thử nghiệm có kiểm soát" (sandbox) cho công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đây là điểm rất mới nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực pháp luật chưa theo kịp; thúc đẩy chuyển đổi số trong KH, CN - ĐMST, thương mại hóa kết quả nghiên cứu dễ dàng hơn, nhiều điểm ưu việt trong cơ chế chính sách", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
 |
ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ |
Cũng theo đại biểu, hiện nay trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, Châu Âu hay Hàn Quốc, mô hình spin-off từ viện nghiên cứu và trường đại học đang được thúc đẩy rất mạnh. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ. Do đó, spin-off không chỉ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo động lực khởi nghiệp cho nhà khoa học, mà còn nâng cao giá trị và thương hiệu cho các viện, trường.
"Có thể khẳng định, spin-off là cây cầu kết nối giữa tri thức và thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu rõ.
Theo phân tích của đại biểu, dự thảo luật đã mở hành lang pháp lý cho việc spin-off từ viện nghiên cứu, trường đại học, tương tự mô hình ở Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan. Tuy nhiên, chưa có quy định riêng biệt, chi tiết về quy trình thành lập spin-off (ví dụ như việc phê duyệt nội bộ, góp vốn bằng tài sản trí tuệ, chia sẻ quyền lợi...); chưa đề cập mô hình đồng sở hữu tài sản trí tuệ (có thể giữa trường và spin-off); chưa quy định chính sách bảo hộ quyền lợi cho nhà nghiên cứu sáng lập spin-off (như các nước tiên tiến)...
"Đề nghị Luật cần quy định rõ, thế nào là spin-off, quy trình thành lập, cơ chế chia sẻ tài sản trí tuệ, chính sách ưu đãi riêng cho spin-off. Nếu không quy định rõ, rất khó phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện Luật KH, CN - ĐMST lần này, tôi kính đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định rõ ràng, chi tiết về việc thúc đẩy mô hình spin-off, để tận dụng tối đa nguồn lực tri thức trong nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội", ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề xuất.
Nhiều điểm được tiếp thu, chỉnh sửa
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan, sau phiên họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, rất nhiều điểm đã được tiếp thu, chỉnh sửa, như tại điều 51, 52, về Ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; được ưu tiên trong bổ nhiệm, tuyển dụng, xếp vị trí việc làm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, lao động, nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú và cấp giấy phép lao động...
Theo đánh giá của đại biểu, dự thảo lần này đã tháo gỡ được "điểm nghẽn" từ thực tế về việc hỗ trợ cán bộ trẻ nghiên cứu. Tuy nhiên, sử dụng kết quả này như thế nào để tránh lãng phí và có sức thu hút cần quy định rõ hơn. Đại biểu cho rằng, điều 52 này đề nghị ban soạn thảo xem xét Khoản 3 cụm từ “học viên thạc sĩ” nên sửa thành “học viên cao học” để đồng bộ với các văn bản về giáo dục khác
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Thị Lan nhìn nhận dự thảo luật này cũng đã mở hơn đối với viên chức tham gia góp vốn, làm việc, quản lý, điều hành tại doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu (điều 55) là: “Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.
Về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Lan băn khoăn: Quy định người đứng đầu như thế nào? Cấp phó của người đứng đầu có cần xin phép không? Trong cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Hội đồng trường có cần xin phép hay không?...
Cũng theo góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Lan, về vấn đề tài chính, Dự thảo cần có cơ chế tài chính linh hoạt, đột phá và đồng bộ với các luật hiện hành, giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, theo Dự thảo tại Mục d, Khoản 3, Điều 62 "Nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán từng phần theo nội dung nghiên cứu. Tổ chức chủ trì được tự chủ sử dụng kinh phí khoán, trừ kinh phí chi mua tài sản trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ, thuê dịch vụ thuê ngoài chưa có tiêu chuẩn, định mức và đoàn đi công tác nước ngoài; được quyền điều chỉnh các nội dung chi trong cùng loại hình chi và sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo thỏa thuận; chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, lưu trữ chứng từ và giải trình khi được yêu cầu".
Tuy nhiên, trong thực tế việc tự chủ sử dụng kinh phí khó có thể thực hiện được vì khi tiến hành mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất phải tuân thủ theo luật Đấu thầu. Nhiều trường hợp không thể thực hiện mua sắm được theo đúng kế hoạch do gói thầu không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu hoặc nhà cung cấp tham gia đấu thầu không đạt được các yêu cầu đề ra trong hồ sơ yêu cầu, hoặc chất lượng vật tư, hóa chất mua sắm do giá chào hàng thấp không bảo đảm được như mong muốn của nhóm nghiên cứu.
Do vậy, đại biểu đề xuất bổ sung Luật Đấu thầu, đưa nội dung mua sắm vật tư, hóa chất phục vụ nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào thành một trường hợp được áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng kiến nghị nên rút ngắn thời gian xin cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế vì hiện tại theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21.2.2020 thì: “Đơn vị tổ chức gửi đầy đủ hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho cơ quan của người có thẩm quyền ít nhất 40 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 30 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của người có thẩm quyền”.
https://daibieunhandan.vn/