Năm học 2024 - 2025, Khoa Khoa học xã hội tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Học viện: Thực trạng điều trị ung thư của bệnh nhân ngoại tỉnh (Nghiên cứu trường hợp tại bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) - Mã số: T2024-06-20 của nhóm nghiên cứu do ThS.  Trần Thanh Hương làm chủ nhiệm đề tài.

Sau 12 tháng thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả có giá trị khoa học. Có thể khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:

Hiện nay, bệnh ung thư đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với tốc độ gia tăng đáng báo động. Ung thư là căn bệnh trong đó các tế bào bất thường phân chia vượt ngoài tầm kiểm soát và có thể lan truyền qua các mô khác. Các tế bào khỏe mạnh, bình thường luôn phát triển, phân chia và chết, nhưng những tế bào này tiếp tục sống, phân chia và có thể tạo thành khối gọi là khối u. Các khối u có thể là lành tính hoặc ác tính. Có hơn một trăm loại ung thư và mỗi loại có một chế độ phòng ngừa, bảo vệ và điều trị khác nhau (Quỹ Sáng kiến y tế Mỹ gốc Á, 2024). Việc chẩn đoán và điều trị ung thư từ giai đoạn sớm sẽ đem lại cơ hội sống sót, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ung thư là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu, theo WHO (2020), ung thư là nguyên nhân chính cho khoảng 10 triệu ca tử vong và tương đương với khoảng 1/6 số ca tử vong trong năm 2020. Ở Việt Nam: Theo Bộ Y tế (2022), tỷ lệ mắc mới bệnh nhân ung thư của Việt Nam tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia). Dự kiến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% tương đương 291.000 ca, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%, tương đương 209.000 ca (Tổ chức Y tế thế giới WHO, 2022). Ung thư ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mắc bệnh, bên cạnh đó họ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân ung thư cũng phải chịu những gánh nặng, khó khăn đến từ kinh tế tinh thần. Mục tiêu chung của đề tài là tìm hiểu về thực trạng điều trị bệnh ung thư của bệnh nhân ngoại tỉnh (Nghiên cứu trường hợp tại Bệnh viện K Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Trên cơ sở đó thực hiện 03 mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu đặc điểm nhân khẩu xã hội và tình hình chữa bệnh của bệnh nhân điều trị ung thư trong mẫu điều tra. Tìm hiểu những thuận lợi khó khăn mà bệnh nhân điều trị ung thư gặp phải trong quá trình chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Tìm hiểu mong muốn của bệnh nhân ung thư trong quá trình chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là một trong những cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu hàng đầu tại Việt Nam, đóng tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh viện K Tân Triều thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông. Điều này xảy ra do số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng tại Việt Nam, cùng với việc bệnh viện là một trong những cơ sở chuyên điều trị ung thư hàng đầu, thu hút bệnh nhân từ khắp nơi trong cả nước. Nghiên cứu tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều – Thanh Trì – Hà Nội được thực hiện thông qua điều tra 120 mẫu bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân, kết hợp với phương pháp phỏng vấn sâu 31 mẫu cho thấy đặc điểm của bệnh nhân ung thư về giới tính, số nữ giới nhiều hơn so với nam giới, độ tuổi của bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau, trong nghiên cứu này, mẫu điều tra là bệnh nhân ngoại tỉnh. Bệnh nhân làm nông nghiệp, lao động tự do chiếm tỷ lệ lớn, thu nhập thấp. Bệnh nhân bị nhiều bệnh khác nhau, đa dạng như ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư trực tràng, đại tràng, ung thư gan, ung thư phổi... Bệnh nhân lên viện K điều trị mặc dù được hỗ trợ bảo hiểm y tế 70-100% nhưng họ vẫn chịu áp lực lớn về chi phí để điều trị bệnh. Chi phí khám/chữa bệnh của bệnh nhân ung thư rất lớn, bệnh nhân tạm ứng trước một khoản để điều trị, sau đó mới được tính miễn giảm theo bảo hiểm y tế hoặc một loại miễn giảm khác. Thêm vào đó là những khó khăn về nhà trọ giá cao, chật hẹp, cũ, không gian chỉ đủ chỗ kê một chiếc giường và các sinh hoạt khác. Tiện nghi sinh hoạt chủ yếu dùng chung và cũng đã cũ (nhất là điều hòa, khu bếp, tủ lạnh không có hoặc là dùng chung với rất nhiều bệnh nhân khác). Trong quá trình điều trị, cứ 12 đến 20 ngày, họ sẽ phải đến viện để được kiểm tra sức khỏe và chuyền hóa chất, nếu có sức khỏe yếu. Bệnh nhân ung thư đều đang rất khó khăn trong cuộc sống hiện tại, vừa lo tiền bạc vừa lo bệnh tật. Mặc dù có đội ngũ bác sĩ nhiệt tình, điều kiện đi lại, dịch vụ cũng tốt hơn, được hỗ trợ bảo hiểm y tế và có các tổ chức từ thiện giúp đỡ động viên, nhưng quá trình điều trị bệnh tật lâu dài, vất vả, chi phí tốn kém, nhiều người phải nghỉ việc. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong mẫu điều tra đều mong muốn được khỏe mạnh trở lại để sớm được về nhà. Đó là mong muốn lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn được hỗ trợ thêm về thuốc, thực phẩm chức năng, hỗ trợ thêm bữa ăn từ các tổ chức cũng như nhà hảo tâm để họ không phải chen lấn xếp hàng mỗi khi đi lấy cơm; Mong muốn cơ sở vật chất của bệnh viện được cải thiện tốt hơn, có đội ngũ bác sĩ tư vấn để sớm khỏi bệnh.

Các sản phẩm chính của đề tài:

-  01 báo cáo khoa học

- 01 bài báo khoa học Khó khăn của bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị (Trần Thanh Hương, Vũ Thị Thu Hà, Phạm Thị Thu Hà trên Tạp chí Lao động và Công đoàn số 729 từ 16 – 31/10/2024).

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn phục vụ cho giảng dạy và học tập môn Xã hội học Đại cương 1, 2, Xã hội học Gia đình, Xã hội học Sức khỏe - ngành Xã hội học - Khoa Khoa học Xã hội. Nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu thực địa có cơ hội được thực hành phương pháp nghiên cứu xã hội học.

Một số hình ảnh nghiên cứu thực địa tại bệnh viện K – Cơ sở Tân Triều – Thanh Trì – Hà Nội:

 

ThS. Trần Thanh Hương – Khoa Khoa học xã hội