Ngày 15/01/2025 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức công bố lệnh cấm đối với chất tạo màu đỏ số 3 trong thực phẩm (Red No 3). Đây là chất tạo màu đang được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, đồ uống, nước giải khát, kem, xúc xích…

Trước khi tìm hiểu lý do vì sao Mỹ cấm sử dụng chất tạo màu đỏ Red No 3 trong thực phẩm, xin cung cấp thông tin ngắn gọn về chất tạo màu nhân tạo trong thực phẩm.

Chất tạo màu nhân tạo trong thực phẩm là gì?

Chất tạo màu nhân tạo là các chất hoá học được sử dụng để tăng giá trị thị hiếu cho vẻ ngoài của thực phẩm. Chất tạo màu được sử dụng để cải thiện màu sắc của thực phẩm trong nhiều thế kỷ qua, chất tạo màu nhân tạo đầu tiên được tạo ra vào năm 1856 từ nhựa than đá. Ngày nay, chất tạo màu được làm từ dầu mỏ và có hàng trăm loại chất tạo màu đã được phát triển. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đều được phát hiện là độc hại, chỉ có một số rất ít chất tạo màu nhân tạo được khuyến nghị sử dụng trong thực phẩm. Chất tạo màu thường được bổ sung vào các loại thực phẩm để cải thiện về mặt hình thức và làm tăng tính hấp dẫn. Trong đó, nhóm thực phẩm chế biến sẵn sử dụng chất tạo màu khá nhiều như: Bánh, mứt, kẹo, các loại kem, các sản phẩm chế biến từ thịt, thuỷ sản, đồ hộp, đồ uống, nước ngọt, nước giải khát…

Các nhà máy sản xuất thực phẩm thường ưa chuộng sử dụng chất tạo màu nhân tạo hơn chất tạo màu tự nhiên vì chất tạo màu nhân tạo làm cho thực phẩm có màu sắc sặc sỡ hơn và bền màu hơn. Sự an toàn của chất tạo màu thực phẩm nhân tạo vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Tất cả chất tạo màu nhân tạo đang được sử dụng trong thực phẩm đều phải trải qua thử nghiệm về độc tính trong các nghiên cứu trên động vật.

Một số loại chất tạo màu phổ biến trong thực phẩm

            - Màu đỏ số 3 (Erythrosine). Đây là chất có màu đỏ anh đào thường được sử dụng trong kẹo, kem que, gel trang trí bánh.

            - Màu đỏ số 40 (Allura Red). Nó có màu đỏ sẫm được sử dụng trong đồ uống thể thao, kẹo, gia vị và ngũ cốc.

            - Màu vàng số 5 (Tartrazine). Nó có màu vàng chanh có trong kẹo, nước ngọt, khoai tây chiên, bỏng ngô và ngũ cốc.

            - Màu vàng số 6 (Sunset Yellow). Nó có màu vàng cam thường được sử dụng trong kẹo, nước xốt, đồ nướng.

            - Màu xanh số 1 (Brilliant Blue). Nó có màu xanh lục được sử dụng trong kem, đậu đóng hộp, súp đóng gói, kem que.

            - Màu xanh số 2 (Indigo Blue). Nó có màu xanh lộng lẫy thường được tìm thấy trong kẹo, kem, ngũ cốc và đồ ăn nhẹ.

            Việc sử dụng các chất tạo màu vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các quốc gia. Một số chất tạo màu được chấp thuận ở quốc gia này nhưng lại bị cấm ở quốc gia khác. Chẳng hạn như: màu xanh lá cây số 3 được FDA chấp nhận sử dụng trong thực phẩm nhưng lại bị cấm ở châu Âu. Hay vàng Quinoline, Carmoisine và màu đỏ tươi là chất tạo màu thực phẩm được phép ở EU nhưng lại bị cấm ở Mỹ.

Lý do FDA cấm sử dụng chất tạo màu đỏ Red No 3 trong thực phẩm

Lý do chất tạo màu thực phẩm được sử dụng trong thực phẩm là để làm tăng sự hấp dẫn của thực phẩm, nhưng lại hoàn toàn không có lợi ích sức khỏe từ các chất tạo màu này. Hiện nay vẫn chưa đủ bằng chứng rõ ràng để khuyến cáo mọi người nên tránh hoàn toàn các chất tạo màu nhân tạo. Ngay cả khi chất tạo màu nhân tạo không gây rủi ro cho con người, chúng cũng không mang lại nhiều lợi ích ngoài màu sắc sặc sỡ. Chúng không phải là chất bảo quản và cũng không có giá trị dinh dưỡng.

Chất tạo màu thực phẩm có chức năng làm cho thực phẩm có màu sắc tươi sáng, bắt mắt và hấp dẫn. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ chất này trong hơn 50 năm qua đã tăng 500% và trẻ em là đối tượng sử dụng nhiều nhất. Một số bằng chứng cho thấy chất tạo màu trong thực phẩm có tác dụng phụ nghiêm trọng đến sức khoẻ như tăng động ở trẻ em cũng nguyên nhân gây ung thư.

Chất tạo màu đỏ số 3 được gọi là erythrosine, FD&C Red No 3 hoặc Red 3. Lệnh cấm này sẽ loại bỏ Red No 3 ra khỏi danh sách các chất phụ gia tạo màu được chấp nhận sử dụng trong thực phẩm, thực phẩm bổ sung và thuốc uống (chẳng hạn như xi-rô ho). Hơn ba thập kỷ trước, FDA đã từ chối cấp phép sử dụng Red 3 trong mỹ phẩm và thuốc bôi ngoài da vì một số nghiên cứu cho thấy chất này gây ung thư khi chuột ăn phải.           

Trước đây, trong một tuyên bố của FDA năm 2022 trích dẫn các nghiên cứu liên quan đến mức độ phơi nhiễm cao của Red No 3 với bệnh ung thư ở chuột. Tuy nhiên, không có đầy đủ các thông tin để chứng minh chất này khi được thêm vào thực phẩm gây nguy hiểm đối với con người. Đến năm 2023, lệnh cấm Red No 3 được triển khai ở California khi những lo ngại về mối liên hệ tiềm ẩn của loại chất tạo màu này với các vấn đề về hành vi thần kinh ở trẻ em chứ không phải ung thư. Mặc dù vậy, vẫn còn thiếu bằng chứng tiêu chuẩn chắc chắn về mối liên hệ này.

FDA cho biết họ ban hành lệnh cấm này là một "vấn đề pháp lý" vì một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất này gây ung thư ở chuột thí nghiệm. Các quan chức đã trích dẫn một điều luật được gọi là Điều khoản Delaney, yêu cầu FDA cấm bất kỳ chất phụ gia nào được phát hiện gây ung thư ở người hoặc động vật.

Thực tế trên thị trường cho thấy, các loại thực phẩm sử dụng chất tạo màu nhân tạo nhiều nhất thường là các nguồn thực phẩm chế biến không lành mạnh. Chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Cho nên, loại bỏ hoặc hạn chế các thực phẩm chế biến không lành mạnh ra khỏi chế độ ăn và sử dụng các thực phẩm tươi có nguồn gốc tự nhiên sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm đáng kể lượng chất tạo màu trong thực phẩm.

leftcenterrightdel
Chất tạo màu nhân tạo trong thực phẩm 

 

leftcenterrightdel
 Chất tạo màu nhân tạo sử dụng trong ngành sản xuất nước giải khát, kẹo

 

Tài liệu tham khảo

https://www.theguardian.com/us-news/2025/jan/15/red-dye-3-ban

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/chat-tao-mau-trong-thuc-pham-nguy-hiem-hay-toan-vi