Theo Max Kozlov (2022). “Monkeypox outbreaks: 4 key questions researchers have”, Nature

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-01493-6

Ngày đăng: 27/05/2022

                      Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này

Các nhà khoa học đang cố gắng để hiểu rõ được về đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới nhất, từ nguồn gốc của chúng cho đến việc liệu chúng có thể được kiểm soát hay không. 

Sau gần năm tuần từ khi cơ quan y tế công cộng ghi nhận một ca đậu mùa khỉ tại Anh; kể từ đó, số lượng ca nhiễm, nghi nhiễm tại các quốc gia ngoài Châu Phi đã vượt quá con số 1000, biến nó trở thành đợt bùng phát đậu mùa khỉ lớn nhất ngoài lãnh thổ châu Phi. Virus được gọi là đậu mùa khỉ vì được các nhà khoa học phát hiện đầu tiên trong phòng thí nghiệm trên khỉ năm 1958, nhưng nó được cho là truyền sang người từ động vật hoang dã như loài gặm nhấm hoặc từ người sang người. Trung bình một năm có vài nghìn ca bệnh xuất hiện ở châu Phi, thường là phía Tây và trung tâm lục địa.

Tình trạng hiện nay rất đáng quan ngại, bởi virus đậu mùa khỉ tồn tại trong các quần thể riêng biệt ở nhiều quốc gia, cũng như không có mối liên hệ rõ ràng giữa chúng, làm dấy lên nguy cơ lây nhiễm chéo chưa được xác định. Dưới đây là một số câu hỏi cốt lõi, liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh mà các nhà khoa học đang tìm câu trả lời.

Đợt bùng phát này khởi phát như thế nào?

Từ lúc đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ bắt đầu, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự các bộ gen virus tại một số quốc gia, bao gồm Bỉ, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Một trong số các kết quả quan trọng nhất mà họ tìm ra được chính là, các trình tự trên đều gần giống với trình tự từ chủng tìm thấy ở Tây Phi. Chủng trên có tỉ lệ tử vong dưới 1% tại các vùng nông thôn nghèo, và thấp hơn nhiều so với chủng tìm thấy ở vùng Trung Phi (với tỉ lệ tử vong lên đến 10%). 

Mặc dù các nhà khoa học cần thêm nhiều dữ liệu, nhưng những trình tự mà họ đã đánh giá gần như giống hệt nhau; cho thấy rằng, các đợt bùng phát đậu mùa khỉ ngoài lãnh thổ châu Phi gần đây đều liên quan đến một trường hợp duy nhất. Các trình tự hiện tại gần giống với các trình tự từ một loạt ca bệnh phát sinh bên ngoài châu Phi vào năm 2018 và 2019 có liên quan đến hoạt động đi lại tại Tây Phi. Lời giải thích đơn giản nhất chính là, bệnh nhân chưa được xác định danh tính đầu tiên trong năm nay có thể đã bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với động vật hoặc người mang virus khi đến thăm một khu vực ở châu Phi. Tuy vậy, cũng không thể loại trừ những lời giải thích khác, virus có thể đã tồn tại mà chưa được phát hiện bên ngoài châu Phi, ở người hoặc động vật trong các đợt bùng phát trước đó. Tuy nhiên, giả thuyết này ít có khả năng xảy ra vì bệnh đậu mùa khỉ thường gây nên những tổn thương có thể thấy được trên cơ thể người.

Liệu một thay đổi di truyền trong virus có thể giải thích cho đợt bùng phát này?

Việc tìm hiểu, liệu có cơ sở nào về mặt di truyền, đối với đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ ngoài lãnh thổ Châu Phi này là vô cùng khó khăn. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực để xác định chính xác những gen nào chịu trách nghiệm cho khả năng truyền nhiễm cao hơn của chủng Trung Phi so với chủng Tây Phi (sau hơn 17 năm kể từ khi họ tìm ra sự khác biệt giữa hai chủng trên).

Một lý do cho điểu này đó là các bộ gen của virus đậu mùa vẫn còn nhiều bí ẩn. Bộ gen virus đậu mùa khỉ rất lớn khi so sánh với các loài khác (gấp hơn 6 lần so với bộ gen SARS-CoV-2). Điều đó đồng nghĩa với việc, chúng cũng sẽ “khó để phân tích hơn gấp 6 lần”, theo lời Rachel Roper, nhà virus học tại đại học East Carolina, Bắc Carolina, Hoa Kỳ.

Monkeypox virus (MPV) particles, coloured transmission electron micrograph (TEM).

Hình 1. Virus đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi, lây nhiễm vào các tế bào và sau đó nhân lên bên trong tế bào chất của chúng.

Không chỉ vậy, việc không có nhiều nguồn lực để phân tích bộ gen tại châu Phi, nơi mà bệnh đậu mùa khỉ đã và đang là mối quan ngại cho sức khỏe cộng đồng trong suốt nhiều năm là một lý do đáng nói khác. Các nhà khoa học như ở trong bóng tối, bởi vì họ có rất ít bộ gen để có thể so sánh được với các bộ gen từ chủng đậu mùa khỉ mới. Các cơ quan tài trợ không chú ý đến các nhà khoa học - những người đã đưa ra cảnh báo từ hơn một thập kỷ về khả năng bùng phát dịch bệnh trên. Để nắm rõ về sự phát triển của virus, giải trình tự virus trên động vật là vô cùng hữu ích. Virus đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm cho động vật- chủ yếu là loài gặm nhấm như sóc và chuột; tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được loài động vật nào mang virus ngoài tự nhiên ở những khu vực nhiễm bệnh tại châu Phi.

Người dịch: Ngô Phương Hiền – K63CNSHE

Biên tập: NVK, CTTT

Tài liệu tham khảo

  1. Rimoin, A. W. et al. Proc. Natl Acad. Sci. USA 107, 16262–16267 (2010).

  2. Sklenovská N, Van Ranst M. Emergence of Monkeypox as the Most Important Orthopoxvirus Infection in Humans. Front Public Health. 2018 Sep 4;6:241. doi: 10.3389/fpubh.2018.00241. PMID: 30234087; PMCID: PMC6131633.

  3. Alakunle E, Moens U, Nchinda G, Okeke MI. Monkeypox Virus in Nigeria: Infection Biology, Epidemiology, and Evolution. Viruses. 2020 Nov 05;12(11)

  4. rez N, Achdout H, Milrot E, Schwartz Y, Wiener-Well Y, Paran N, Politi B, Tamir H, Israely T, Weiss S, Beth-Din A, Shifman O, Israeli O, Yitzhaki S, Shapira SC, Melamed S, Schwartz E. Diagnosis of Imported Monkeypox, Israel, 2018. Emerg Infect Dis. 2019 May;25(5):980-983.