Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01987-9

Ngày đăng: 22.07.2021

Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này

Một bài phân tích[1] trên tờ Nature Medicine – kèm theo kết quả khảo sát ở 12 quốc gia – cho thấy 80% cá nhân đến từ 10 quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình (Low-and-Middle-Income Countries – LMICs) ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ sẵn sàng đi tiêm vaccine COVID-19, so với con số 65% ở Hoa Kì. Trường hợp ngoại lệ của nước Nga, quốc gia có thu nhập trên trung bình, chỉ có 30% người dân có ý định đi tiêm chủng.

Các kết quả trên chỉ ra rằng, bên cạnh việc chia sẻ vaccine, việc đảm bảo công bằng trong quá trình tiếp cận vaccine COVID-19 trên toàn thế giới không chỉ là giải pháp hiệu quả ngăn chặn sự lây lan của virus và còn mang tính nhân văn.

leftcenterrightdel
 

Nguồn thông tin tuyên truyền đáng tin cậy

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021, xoay quanh việc liệu những người tham gia khảo sát có muốn được tiêm chủng và lí do để họ đi đến lựa chọn như vậy.

Gần một nửa số người được hỏi ở các nước LMICs xác định rằng nhân viên y tế công cộng sẽ là nguồn tin đáng tin cậy, giúp họ quyết định có nên dùng vaccine hay không. Đội ngũ này cùng với những người đứng đầu cộng đồng chính là nhân tố quan trọng của những chiến dịch tiêm chủng thành công. Bên cạnh đó, mối lo về tác dụng phụ và hiệu quả hạn chế của vaccine là lí do chính khiến mọi người từ chối tiêm chủng.

Suy nghĩ của người dân đã thay đổi

Mặc dù Heidi Larson, nhà nhân chủng học người Mỹ, đánh giá cao cuộc khảo sát này nhưng vẫn bày tỏ quan ngại rằng kết quả trên đã trở nên lỗi thời. Ngày càng có nhiều người được tiêm chủng, phần lớn người dân cũng đã thay đổi quan điểm của mình về vaccine COVID-19. Bà cho rằng kết quả này nên được sử dụng để kêu gọi cung cấp vaccine cho các nước đang cần chúng, không chỉ vì lợi ích quốc gia đó mà còn là vì lợi ích của toàn cầu.

---------------------

Người dịch: Trần Khánh Linh

Biên tập: NQT