Theo: Elie Dolgin. (2021). Quarter-dose of Moderna COVID vaccine still rouses a big immune response. Nature, Article. https://doi.org/10.1038/d41586-021-01893-0
Ngày đăng: 09/07/2021
Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này
Phân tích mẫu máu của các tình nguyện viên được tiêm 2 mũi chứa một phần tư liều vaccine Moderna tiêu chuẩn vẫn tạo ra các kháng thể và các tế bào T chống lại virus [1]. Vì vậy một đề xuất được đặt ra là một lượng nhỏ vaccine vẫn đủ để tạo ra miễn dịch lâu dài, từ đó có thể đẩy nhanh phổ cập tiêm chủng trên toàn cầu.
Kể từ năm 2016, chiến lược giảm liều vaccine đã thực hiện thành công cho hàng triệu người ở Châu Phi và Nam Mỹ chống lại bệnh sốt vàng da [2]. Nhưng tại sao chiến lược này đến nay không được áp dụng để đối phó với COVID-19 mặc dù tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra phần lớn ở miền Nam thế giới?
Vậy liều vừa đủ là bao nhiêu?
Trong một thử nghiệm với vaccine Moderna, những người tình nguyện được tiêm với ba mức: 25, 100 hoặc 250 μg [3]. Kết quả cho thấy liều cao nhất (250 μg) được chứng minh không tốt cho cơ thể, trong khi liều thấp nhất (25 μg) tạo phản ứng miễn dịch yếu nhất. Liều 100 μg giúp kích hoạt khả năng miễn dịch mạnh mặc dù có một số tác dụng phụ chấp nhận được nên hàm lượng vaccine này đang trở thành liều được sử dụng đại trà ở hàng chục quốc gia. Tuy vậy, các nhà khoa học sau đó chỉ ra rằng liều giảm 1 nửa (50 μg) vẫn có thể kích thích bảo vệ miễn dịch tương tự với liều tiêu chuẩn [4].
Để tìm ra liều vaccine thấp có thể, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu từ 35 tình nguyện viên của thử nghiệm ban đầu. Mỗi mẫu có 2 liều tiêm, mỗi liều 25 μg, cách nhau 28 ngày. Sáu tháng mũi tiêm thứ 2, gần như tất cả 35 tình nguyện viên đều có các kháng thể trung hòa và ngăn chặn virus lây nhiễm cho các tế bào phổi [1]. Trong máu của các tình nguyện viên cũng có chứa các bạch cầu T sát thủ và nhiều bạch cầu T hỗ trợ đặc hiệu virus hoạt động trong hệ miễn dịch.
Cụ thể, bạch cầu T loại CD4 + được tạo ra trong 6 tháng sau khi tiêm có số lượng và chất lượng tương đương với các bệnh nhân nhiễm COVID-19, bao gồm sự có mặt của các bạch cầu TFH (T follicular helper - tế bào T nang trợ giúp) và các tế bào biểu hiện Interferon γ. Bạch cầu T loại CD8 + tăng mạnh ở 88% tình nguyện viên ở thời điểm 6 tháng sau khi tiêm tương đương khi so sánh với trường hợp từng nhiễm COVID-19. Do đó, liều thấp (25 μg) của vaccine mRNA tạo ra lượng kháng thể và các bạch cầu T tương đương với mức được tìm thấy ở những người đã từng mắc COVID-19.
|
|
Mức kháng thể đặc hiệu protein gai SARS-CoV-2 sản sinh khi tiêm liều 25 μg mRNA-1273: so sánh độ chuẩn mức trung hòa IgG gai, IgG RBD và PSV được tạo ra bởi tình nguyện viên được tiêm 2 liều vaccine 25 μg mRNA-1273 ngày thứ 209 ± 7 (vòng tròn đỏ, n = 33) và ở bệnh nhân COVID-19 tại thời điểm 170-195 ngày PSO (vòng tròn vàng, n = 14) [1] |
Tuy vậy, một số ý kiến chưa tán thành phương án giảm liều này và yêu cầu các thử nghiệm lâm sàng kỹ càng hơn như trong thử nghiệm đang tiến hành tại Bỉ từ tháng 5/2021; trong khi các ý kiến khác đang tỏ ra sốt ruột khi đang đánh mất cơ hội đem vaccine đến cho nhiều người hơn.
Giảm liều đem lại lợi ích to lớn
Một số nhà khoa học khẳng định rằng, mặc dù các phản ứng miễn dịch được tăng cường bởi chiến lược liều thấp mới chỉ có hiệu quả vừa phải trong việc ngăn chặn SARS-CoV-2, liều một phần tư vẫn xứng đáng để dùng vì giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy sự bình đẳng về quyền được tiêm vaccine ở những nước đang phát triển. Rõ ràng, cách tiếp cận như vậy sẽ làm giảm sự lây nhiễm và những ca tử vong do COVID-19 hơn những chính sách đang áp dụng như hiện tại [6].
Người dịch: Trần Thị Minh Hiền, K64CNSHE
Biên tập: CĐH, NTTT, NQT
Tài liệu tham khảo
[1]. Mateus, J.et al. Preprint at medRxiv. https://doi.org/10.1101/2021.06.30.21259787 (2021).
[2]. Casey, R. M. et al. N. Engl. J. Med. 381, 444–454 (2019).
[3]. Jackson, L. A. et al. N. Engl. J. Med. 383, 1920–1931 (2020).
[4]. Chu, L. et al. Vaccine 39, 2791–2799 (2021).
[5]. Cowling, B. J. et al. Nature Med. https://doi.org/10.1038/s41591-021-01440-4 (2021).
[6]. Więcek, W. et al. Preprint at SSRN. https://doi.org/10.2139/ssrn.3864485 (2021).