Theo: Sprent, J., & King, C. (2021). COVID-19 vaccine side effects: The positives about feeling bad. Science Immunology, 6(60), 9256. https://doi.org/10.1126/SCIIMMUNOL.ABJ9256

Ngày đăng: 22/06/2021

Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này

 

Sự do dự khi tiêm vaccine đang khá phổ biến đặc biệt là ở những người trẻ tuổi với hệ miễn dịch tốt. Trong khi, nhiều tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 đã được ghi nhận, nên ở nhiều cộng đồng nỗi lo sợ gặp tác dụng phụ đã xuất hiện sớm hơn các đợt tiêm vaccine. Vậy vấn đề cần làm rõ ở đây là: những tác dụng phụ thường gặp của vaccine COVID-19 là gì và liệu rằng chúng có lợi hay không?

Nguyên nhân của các tác dụng phụ

Các vaccine được sản xuất từ mARN của Pfizer và Moderna đã nhận được nhiều sự quan tâm khi những tác dụng phụ khi tiêm chủng này xảy ra nhưng ít gặp do các phản ứng dị ứng khởi phát chậm [1], [2]. Các phản ứng chính là sốt, đau đầu, đau cơ và tình trạng mệt mỏi chung, ảnh hưởng đến khoảng 60% số người sau khi tiêm liều vaccine thứ hai. Tuy nhiên, ngoài việc đề cập một cách mơ hồ đến phản ứng miễn dịch đang diễn ra trên báo và tạp chí khoa học, nguyên nhân thực sự của các tác dụng phụ lại hầu như không được chú ý. Hầu hết các triệu chứng đơn giản là do sự sản xuất quá nhiều interferon loại I (IFN-I), một loại cytokine quan trọng trong thúc đẩy những giai đoạn đầu của phản ứng miễn dịch.

Cơ chế điều hoà miễn dịch của IFN-I

IFN-I cùng với IFN-III (IFN-λ) được cơ thể tạo ra ngay sau khi tiếp xúc với mầm bệnh và có tác dụng kháng virus mạnh mẽ, IFN-I tác động khắp cơ thể còn IFN-III tác động trong hệ hô hấp. Hoạt động này ức chế sự nhân lên của virus tại chỗ và từ đó hạn chế sự phát tán. IFN-I được sản sinh chủ yếu bởi các đại thực bào (macrophage) và các tế bào tua (Dendritic cell, tế bào trình diện kháng nguyên); IFN-I sau đó tương tác với các phân tử đặc trưng của virus tạo phức hệ PAMPs (Pathogen-associated Molecular Patterns). Các PAMP sau đó được nhận diện bởi thụ thể PRRs (TLRs và RIG-I) của tế bào tua. 

Tế bào tua được hoạt hóa bới IFN-I có thể trình diện kháng nguyên cho các bạch cầu T loại CD4+ và CD8+. Tế bào CD4+ được hoạt hoá sau đó kích thích tế bào B sản xuất kháng thể đặc hiệu, trong khi đó tế bào CD8+ biệt hóa trở thành các tế bào T gây độc, có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào bất thường nhiễm virus.

Như vậy, interferon loại I, IFN-I, đã hoạt hóa hoạt động của tế bào tua bằng cách tăng cường trình diện kháng nguyên cho bạch cầu T. Thêm vào đó, IFN-I cũng tác động trực tiếp lên các tế bào T, kích thích sự nhân lên tối ưu của các tế bào này và hình thành các tế bào ghi nhớ miễn dịch tồn tại lâu dài trong cơ thể, bao gồm cả bạch cầu T loại CD4+ và CD8+. 

Sản sinh IFN-I bị ức chế khi nhiễm SARS-CoV-2

Khi gặp một số virus độc lực mạnh, cơ thể sản xuất IFN-I quá ngưỡng dẫn tới hiện tượng “bão cytokine” [3], [4]. Nhưng với trường hợp COVID-19 thì ngược lại vì virus SARS-CoV-2 đã ngăn cản tế bào tổng hợp IFN-I dẫn tới lượng IFN-I trong máu thấp hơn bình thường ngay cả khi bệnh nặng [5]. Những ca bệnh nặng thường phát hiện thấy hiện tượng tự miễn của cơ thể với chính IFN-I [6]. Rõ ràng, việc giảm IFN-I trong giai đoạn đầu của sự xâm nhiễm có rất liên quan đến những trường hợp bệnh nhân nặng. Các thử nhiệm thực tế đã củng cố cho ý kiến này qua việc truyền IFN-I ngoại sinh có hiệu quả nếu được tiêm sớm khi mắc bệnh và cả khi dùng dự phòng, đặc biệt là qua đường mũi.

leftcenterrightdel
Quá trình hoạt hoá tế bào tua và cảm ứng sản sinh IFN-I khi tiêm vaccine mRNA  

Sản sinh IFN-I tăng lên khi tiêm vaccine COVID-19

Việc giải thích tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine SARS-CoV-2 dựa vào sự sản sinh IFN-I quá ngưỡng là có căn cứ với các loại vaccine từ mRNA vì loại này đã được chứng minh cảm ứng sản sinh IFN-I rất mạnh mẽ [7].

Thực tế, IFN-I đã được sử dụng điều trị bệnh viêm gan B, viêm gan C, bệnh đa xơ cứng từ lâu và khi tiêm IFN-I đều gây ra sốt, nhức đầu, mệt mỏi giống như các vaccine COVID-19 hiện nay. Thậm chí, sử dụng nhiều lần IFN-I có thể gây ra trầm cảm và chậm nhận thức [8].

Kết luận

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 đơn giản chỉ là phản ứng phụ do một lượng lớn interferon IFN-I  được sản sinh trong thời gian ngắn để có được miễn dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, giới tính, trong đó phụ nữ và người trẻ thường có biểu hiện nặng hơn [11]. 

Lượng IFN-I sinh ra thấp ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ngược lại với trường hợp bị nhiễm cúm [3], dẫn tới triệu chứng ở 2 bệnh này khá khác nhau. Cần chú ý rằng, vaccine COVID-19 hiện nay thường là vaccine chọn lọc kháng nguyên nên khi tiêm cơ thể lại sản sinh IFN-I cao khác với trường hợp nhiễm virus, do đó các tác dụng phụ khi tiêm vaccine COVID-19 không giống các triệu chứng khi bị nhiễm SARS-CoV-2. 

Từ những lý giải trên, các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu sau khi tiêm vaccine COVID-19 nên được nhìn nhận một cách tích cực như bước đầu cần thiết cho phản ứng miễn dịch hiệu quả. Các tác dụng phụ của việc tiêm chủng hầu như luôn nhẹ và không lâu, chỉ đơn thuần là vaccine đang thực hiện việc kích thích sản sinh IFN, chất kích thích miễn dịch có sẵn trong cơ thể. 

Người dịch: Nguyễn Văn Khoa, K64CNSHE

Biên tập: CTTT, NQT

Tài liệu tham khảo:

[1] M. Wadman, Public needs to prep for vaccine side effects. Science 370, 1022 (2021).Abstract/FREE Full TextGoogle Scholar

[2] A. Remmel, COVID vaccines and safety: What the research says. Nature 590, 538–540 (2021).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[3] G. Schreiber, The role of type I interferons in the pathogenesis and treatment of COVID-19. Front. Immunol. 11, 595739 (2020).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[4] C. King, J. Sprent, Dual nature of type I interferons in SARS-CoV-2-induced inflammation. Trends Immunol. 42, 312–322 (2021).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[5] M. Contoli, et al., Blood interferon-α levels and severity, outcomes and inflammatory profiles in hospitalized COVID-19 patients. Front. Immunol. 12, 648004 (2021).PubMedGoogle Scholar

[6]P. Bastard, L. B. Rosen et al. Casanova, Autoantibodies against type I IFNs in patients with life-threatening COVID-19. Science 370, eabd4585 (2020).Abstract/FREE Full TextGoogle Scholar

[7] A. Cagigi, K. Loré, Immune responses induced by mRNA vaccination in mice, monkeys and humans. Vaccine 9, 61 (2021).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[8] A. Russell et al., Persistent fatigue induced by interferon-alpha: A novel inflammation-based proxy model of chronic fatigue syndrome. Psychoneuroendocrinology 100, 276–285 (2019).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[9] S. G. Reed, M. T. Orr, C. B. Fox, Key roles of adjuvants in modern vaccines. Nat. Med. 19, 1597–1608 (2013).CrossRefPubMedGoogle Scholar

[10] E. Proietti et al., Type I IFN as a natural adjuvant for a protective immune response: Lessons from the influenza vaccine model. J. Immunol. 169, 375–383 (2002).Abstract/FREE Full TextGoogle Scholar

[11] M. J. Bunders, M. Altfeld, Implications of sex differences in immunity for SARS-CoV-2 pathogenesis and design of therapeutic interventions. Immunity 53, 487–495 (2020).CrossRefPubMedGoogle Scholar