Theo:Michael Marshall (2021). COVID and the brain: researchers zero in on how damage occurs. Nature 595, 484-485 (2021) doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-01693-6

Ngày đăng: 7/7/2021

Vui lòng ghi rõ nguồn https://cnsh.vnua.edu.vn/ khi đăng lại nội dung này

leftcenterrightdel
 Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu cách thức SARS-CoV-2 tác động lên bộ não

Cách thức COVID-19 làm tổn thương não bộ ngày càng được làm rõ. SARS-CoV-2 có thể tấn công lên não theo nhiều cách: tấn công trực tiếp vào một số tế bào não nhất định, giảm lưu lượng máu lên mô não, hoặc kích hoạt sản xuất các phân tử miễn dịch gây hại cho tế bào não.

SARS-CoV-2 có thể gây mất trí nhớ, đột quỵ và các tác động khác lên não. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể can thiệp sớm, giải quyết những triệu chứng bất thường này để bệnh nhân không phải chịu ảnh hưởng lâu dài hay không. Có 80% trong số bệnh nhân nhập viện có các triệu chứng thần kinh1, vì thế, các nhà nghiên cứu hiện nay đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế và nguyên nhân để tìm ra cách điều trị tốt nhất.

Xâm nhập vào não bộ

Bản thảo của một nghiên cứu đăng tháng  06/20212 đã so sánh hình ảnh não bộ của bệnh nhân trước và sau khi nhiễm COVID-19, phát hiện ra có sự mất chất xám ở một số vùng ở vỏ não.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng virus có thể gây hại bằng cách xâm nhập vào não và lây nhiễm các tế bào thần kinh. Nhưng virus gặp khó khăn trong việc vượt qua hệ thống phòng thủ của não - hàng rào máu não, và phương thức tấn công của virus không theo bất kỳ một cách thức cụ thể nào.3.

Các chuyên gia cho biết SARS-CoV-2 có thể tiếp cận não thông qua niêm mạc khứu giác, lớp niêm mạc của khoang mũi, giáp với não. Virus này thường được tìm thấy trong khoang mũi, đó cũng là lý do nhân viên y tế lấy mẫu thử  COVID-19 bằng cách ngoáy mũi.

Spudich, nhà nghiên cứu đã thẩm định các cuộc giải phẫu kết hợp với các bằng chứng khác hồi tháng 44 cho biết: “Mặc dù tải lượng virus trong não bộ không phải là quá cao, nhưng không đồng nghĩa nó không lây nhiễm tới bất kỳ tế bào nào.

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm tế bào thần kinh đệm hình sao, một loại tế bào đa chức năng phổ biến trong não.

leftcenterrightdel
Tế bào thần kinh đệm hình sao là tế bào trong hệ thần kinh trung ương thực hiện nhiều chức năng, bao gồm cả việc cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh 

Bản thảo của một nghiên cứu được đăng vào tháng 1, Kriegstein và các đồng nghiệp của ông đã công bố rằng5 SARS-CoV-2 có xu hướng lây nhiễm các tế bào thần kinh đệm hình sao hơn các tế bào não khác. Các nhà nghiên cứu cho các organoids não - các cấu trúc nhỏ, giống bộ não phát triển từ các tế bào gốc trong phòng thí nghiệm - tiếp xúc với virus. SARS-CoV-2 gần như chỉ xâm nhiễm các tế bào đệm hình sao cho dù có các tế bào khác.  

Để tăng tính tin cậy cho các nghiên cứu này, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Campinas, Brazil, đã chỉ ra trong bản dự thảo nghiên cứu về não bộ của 26 ca tử vong do COVID-19, 5 ca trong số đó có các tế bào não bị xâm nhiễm, và các tế bào hình sao chiếm 66% trong các tế bào đó6.

Các tế bào hình sao bị xâm nhiễm có thể lý giải cho một số triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19, đặc biệt là mệt mỏi, trầm cảm và ‘sương mù não’, bao gồm lú lẫn và hay quên. Những triệu chứng đó có thể không phản ánh tổn thương tế bào thần kinh, nhưng có thể phản ánh sự rối loạn một số loại chức năng.

Tế bào hình sao có thể dễ bị tổn thương ngay cả khi chúng không bị nhiễm virus. Một nghiên cứu được công bố vào ngày 21 tháng 6[7] đã so sánh não bộ của 8 ca tử vong do COVID-19 với não bộ của 14 người trong nhóm kiểm soát, kết quả không tìm thấy dấu vết của SARS-CoV-2 trong não của những bệnh nhân, nhưng sự biểu hiện gen đã bị ảnh hưởng ở một số tế bào hình sao không hoạt động bình thường.

Tuy nhiên với những phát hiện này, các nhà nghiên cứu còn chưa biết cụ thể số lượng tế bào não bị nhiễm virus hoặc bị tổn thương. Thật không may, đây là một câu hỏi khó vì khi các tế bào thần kinh ở một số vùng của não khi bị tổn thương sẽ gây ra nhiều rối loạn chức năng hơn những vùng khác.

Chặn lưu lượng máu

Các bằng chứng cũng chỉ ra rằng SARS-CoV-2 làm giảm lưu lượng máu đến não, từ đó làm suy giảm chức năng của các tế bào thần kinh và cuối cùng phá huỷ chúng.

Pericyte là các tế bào được tìm thấy trên các mao mạch khắp cơ thể bao gồm cả trong não. Một bản thảo nghiên cứu hồi tháng 2 đã công bố rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào giống pericyte trong organoids não8. SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến hành vi của pericyte9 thông qua ngăn chặn hoạt động của các thụ thể trên tế bào này làm cho các mao mạch não chuột bạch co lại.

Giả thuyết cho rằng rằng các loại thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao liên quan đến sự co mạch máu, có thể hữu ích trong một số trường hợp COVID-19. Hai thử nghiệm lâm sàng hiện đang tìm hiểu tác dụng của thuốc điều trị huyết áp losartan trong điều trị COVID-19.

Hệ miễn dịch hoạt động quá mức

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số triệu chứng và tổn thương thần kinh là hậu quả của việc hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức hay thậm chí hoạt động sai sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái10, Harald Prüss, một nhà nghiên cứu thần kinh học tại Trung tâm Bệnh thoái hóa thần kinh Đức ở Berlin, và các đồng nghiệp của ông đã phân lập các kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở người và phát hiện một kháng thể có thể bảo vệ chuột khỏi bị nhiễm và tổn thương phổi. Nhưng nhóm cũng phát hiện ra rằng một số kháng thể có thể nhận biết và tấn công phá hủy mô não.

Trong bài báo thứ hai được đăng tháng 12 năm ngoái, nhóm của Prüss đã nghiên cứu máu và dịch não tủy của 11 bệnh nhân COVID-19 nặng, tất cả đều có các triệu chứng lâm sàng về thần kinh11. Tất cả các thể tự kháng (autoantibodies) được cơ thể tạo ra có khả năng nhận biết và tấn công tế bào thần kinh. Và có bằng chứng cho thấy việc tiêm immunoglobulin- một loại kháng thể ngăn chặn hoạt động của các thể tự kháng có hại là biện pháp khá thành công.

Những ảnh hưởng của virus đến não qua tế bào thần kinh đệm hình sao, pericytes và thể tự kháng, không phải là độc lập với nhau và có lẽ cũng không phải là những con đường duy nhất. Khả năng những người mắc COVID-19 gặp phải các triệu chứng thần kinh đến từ nhiều lý do. Việc xác định nguyên nhân của mỗi ca bệnh nặng do virus là rất quan trọng để lựa chọn cách thức điều trị thích hợp.

Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Mai, K64CNSHE

Biên tập: CTTT, NVK

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chou, S. H.-Y. et al. JAMA Netw. Open 4, e2112131 (2021). Douaud, G. et al. Preprint at medRxiv. ttps://doi.org/10.1101/2021.06.11.21258690 (2021).

2. Serrano, G. E. et al. Preprint at medRxiv. https://doi.org/10.1101/2021.02.15.21251511 (2021)

3. Farhadian S. F., Seilhean, D. & Spudich, S. Curr. Opin. Neurol. 34, 417–422 (2021). Article

4. Andrews, M. G. et al. Preprint at bioRxiv. https://doi.org/10.1101/2021.01.17.427024 (2021).

5. Crunfli, F. et al. Preprint at medRxiv. https://doi.org/10.1101/2020.10.09.20207464 (2021).

6. Yang, A. C. et al. Nature https://doi.org/10.1038/s41586-021-03710-0

7. Wang, L. et al. Preprint at bioRxiv https://doi.org/10.1101/2021.02.09.430349 (2021).

8. Hirunpattarasilp, C. et al. Preprint at bioRxiv. https://doi.org/10.1101/2021.04.01.438122 (2021).

9. Kreye, J. et al. Cell 183, 1058–1069.e19 (2020). Article

10. Franke, C. và cộng sự. Brain Behav. Bất tử. 93 , 415–419 (2021). Article